Hơn 8 năm làm công nhân (CN) tại một công ty may ở KCX Tân Thuận, TP HCM, thu nhập (không tăng ca) của chị Trần Thị Kim Hồng chưa tới 7 triệu đồng/tháng. Để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, mỗi ngày chị phải làm việc trên 10 giờ, thậm chí chủ nhật cũng không nghỉ.
Nhiều thiệt thòi
Chị Hồng là mẹ đơn thân, đang nuôi con gái mắc chứng suy giảm trí nhớ. Mẹ con chị hiện ở trọ tại huyện Nhà Bè, TP HCM; hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Lương thấp, nhất là thời điểm 2 năm sau dịch COVID-19, công ty khan hiếm đơn hàng, giờ làm việc ít khiến thu nhập của chị giảm sút - chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. Ngoài khoản chi cố định cho con hơn 1 triệu đồng/tháng, mọi chi tiêu khác chị đều cắt giảm, nhất là ăn uống rất qua loa.
Đi làm, chị Hồng cũng chọn xe buýt để tiết kiệm. Dù vậy, cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau, nhiều khi chị phải vay mượn đắp đổi qua ngày. Điều chị mong mỏi nhất lúc này là tiền lương được cải thiện.
Không riêng chị Hồng, nhiều CN ngành dệt may cũng có mức thu nhập khá thấp. Đa số phải làm thêm giờ với cường độ cao mới đủ sống.
Tại hội nghị lấy ý kiến báo cáo tiền lương, thu nhập của người lao động (NLĐ) trong doanh nghiệp (DN) dệt may và khuyến nghị đối với hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, thu nhập trong ngành dệt may Việt Nam năm 2025 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Vinh Quang, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đến năm 2024, ngành dệt may có khoảng 7.000 DN. Trong đó, 735 DN có Công đoàn cơ sở đã gửi báo cáo thực trạng tiền lương, thu nhập của NLĐ. Kết quả thống kê cho thấy thu nhập bình quân của NLĐ ngành dệt may là 10,4 triệu đồng/người/tháng - thấp hơn thu nhập bình quân của cả nước.
Thiệt thòi hơn là tỉ lệ lương cơ bản trong cơ cấu thu nhập của CN ngành dệt may chỉ chiếm 72%, thậm chí tại nhiều DN còn chưa đạt tỉ lệ này. Phần thu nhập còn lại được DN chi trả qua các khoản như phụ cấp, tiền làm thêm giờ, thưởng, phúc lợi… Chưa kể, thời gian nâng lương định kỳ của CN ngành này rất dài và mức tăng mỗi lần thấp.
Bình quân NLĐ ngành dệt may được nâng bậc lương sau 19 tháng làm việc. Mức nâng lương bình quân là 6% mỗi bậc, tức là mỗi năm tiền lương chỉ tăng 3,3% - không theo kịp lạm phát. Do vậy, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng cần thương lượng để điều chỉnh tiền lương hằng năm, đồng thời tỉ lệ tăng lương phải đủ bù lạm phát thì mới cải thiện đời sống của NLĐ.

Công nhân ngành dệt may còn gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp
Bảo đảm an sinh
Không chỉ thu nhập thấp, CN ngành dệt may còn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, đối mặt với nồng độ bụi, ánh sáng, độ ồn, không khí nóng ẩm. Cộng với việc tăng ca, kéo dài thời gian làm việc cường độ cao, NLĐ có nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp về mắt, xương khớp…
Theo ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - LĐLĐ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hầu hết NLĐ ngành dệt may đều làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng không phải ai cũng được tính rõ điều kiện này trong cơ cấu tiền lương. Hiện nay, lương của CN ngành này vẫn căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường.
"Do vậy, cần khuyến nghị các DN thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật. Trong đó, DN phải ghi rõ tiền lương đối với lao động đã qua đào tạo; tiền lương nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với NLĐ trong DN dệt may" - ông Ngạn đề xuất.
Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho rằng lương cơ bản thấp cùng với mức đóng BHXH cho NLĐ ngành dệt may thấp không chỉ tác động đến đời sống hiện tại mà còn ảnh hưởng tới an sinh xã hội của họ sau này do lương hưu thấp. Hiện nay, lương tối thiểu vùng chỉ 4,96 triệu đồng/tháng (vùng I) nên DN áp dụng mức này đóng BHXH. Do đó, dù NLĐ có thời gian đóng BHXH đạt mức hưởng lương hưu tối đa 75% thì cũng vẫn rất thấp.
Một bất cập khác là dù đa số CN ngành dệt may đều làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nhưng rất khó để hưởng các chế độ nghỉ hưu sớm do vướng quy định. NLĐ tại Đà Nẵng từng khiếu nại về việc họ đứng máy cuốn sợi (có chức năng dệt), công việc phức tạp hơn nhưng không được nghỉ hưu sớm như CN đứng máy dệt. Bởi lẽ, đứng máy cuốn sợi không thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Vì vậy, ông Đại đề xuất bổ sung vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm các vị trí công việc sát với thực tế để NLĐ được hưởng chế độ, nhất là có thể nghỉ hưu ở độ tuổi sớm hơn.
"Đó là các lý do mà Đà Nẵng hiện không thu hút đầu tư ngành dệt may. Lực lượng lao động ngành này chỉ giảm chứ không tăng. Địa phương phải tăng cường chuyển dịch, đào tạo NLĐ sang ngành nghề khác có giá trị cao hơn để họ có cuộc sống tốt hơn" - ông Đại nêu thực trạng.
Liên kết để tăng thu nhập
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, hầu hết DN dệt may trong nước đều làm gia công hoặc sản xuất theo mẫu của các nhãn hàng. Ông đề xuất từ thực tế tiền lương của NLĐ trong ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam có thể liên kết với các Công đoàn ngành dệt may khu vực, châu Âu và thế giới để tác động đến các nhãn hàng quốc tế về mức thu nhập bảo đảm mức sống, tăng lương cho CN. Bởi lẽ, việc bảo đảm mức sống cho NLĐ là phù hợp với xu thế chung của quốc tế, khi các DN đa quốc gia đều chú trọng tra soát chuỗi cung ứng.
Bình luận (0)