Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nhấn mạnh hội thảo nhằm mục đích làm rõ thực trạng tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, nhất là sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới"; làm rõ những kết quả quan trọng đã đạt được, chỉ rõ các hạn chế, bất cập trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn.
Trên cơ sở đó, thảo luận, đề xuất các giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, tạo sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích các chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam theo Hiến pháp năm 2013, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tổ chức Công đoàn cũng như những thành tựu to lớn mà tổ chức Công đoàn đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới. Hội thảo cũng đặt ra vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công đoàn Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới và tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam…
Từ thực tiễn cơ sở, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP TKG Taekwang Vina (tỉnh Đồng Nai), đề nghị cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể và xử lý tình huống phát sinh trong quan hệ lao động cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước.
Bà Vũ Thị Giáng Hương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam - đề xuất một số giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW. Trong đó, bà Hương cho rằng cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong triển khai thực hiện nghị quyết.
Ngoài triển khai nghị quyết thông qua xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, cần xác định và làm rõ lộ trình thực hiện trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Tổ chức Công đoàn cần thường xuyên và định kỳ tổ chức các hội nghị, hội thảo tổng kết về các mô hình tổ chức hoạt động.
Thông qua đó, các cấp Công đoàn đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến và khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, để từ đó có những giải pháp kịp thời xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn trong điều kiện hội nhập quốc tế.
GS-TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định sau hơn 3 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, công tác tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng.
Trong đó, Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị được tập trung triển khai.
Bình luận (0)