Tính đến tháng 10-2024, cả nước có hơn 773.000 người lao động (NLĐ) nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Riêng tại TP HCM, trong 10 tháng đã tiếp nhận 126.116 hồ sơ đề nghị hưởng TCTN. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP HCM, bình quân mỗi năm trung tâm tiếp nhận hơn 150.000 hồ sơ NLĐ đề nghị hưởng TCTN, chiếm 1/5 tổng số người hưởng của cả nước.
Quy trình, thủ tục rườm rà
Theo quy định hiện hành, để hưởng TCTN, NLĐ phải thực hiện các bước gồm: nộp hồ sơ (gồm sổ BHXH; đơn đề nghị hưởng TCTN; bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các loại giấy tờ: hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV), quyết định thôi việc, quyết định sa thải/kỷ luật buộc thôi việc, thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ/HĐLV…), nhận quyết định hưởng TCTN, nhận TCTN và thẻ BHYT, thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng.
Chị Trần Thị Thu Trang (quận 12, TP HCM) cho hay với quy trình này, để được hưởng 3 tháng TCTN, chị phải đến chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) quận 12 bốn lần. Trong đó có 2 lần đi làm hồ sơ, 2 lần đến thông báo về tìm kiếm việc làm hằng tháng. "Hồ sơ của tôi tương đối đầy đủ nên chỉ đi 4 lần, những người khác phải đến nhiều hơn do hồ sơ thiếu hay chưa hợp lệ, mất nhiều thời gian đi lại và chờ đợi, khá phiền phức" - chị Trang chia sẻ.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm DVVL thành phố, cho hay thời gian hưởng TCTN của NLĐ tối thiểu 3 tháng, tối đa 12 tháng. Trung bình một đợt hưởng TCTN, một NLĐ sẽ phải đến Trung tâm DVVL từ 4-14 lần. Hiện nay, NLĐ có thể đăng ký làm thủ tục hưởng TCTN trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia hay Cổng DVC thành phố.
Tuy nhiên, NLĐ vẫn phải đến trực tiếp Trung tâm DVVL để thực hiện thủ tục thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng (1 tháng/lần). Hiện nay, NLĐ nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trên Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC trực tuyến thành phố ngày càng tăng. Bên cạnh đó, khi NLĐ nộp hồ sơ trực tiếp, Trung tâm vẫn phải thực hiện cập nhật thông tin NLĐ lên Cổng DVC, sau đó in ra hồ sơ giấy để lưu trữ theo quy định…
Trong khi nhân lực thiếu, cơ sở vật chất (như máy đọc dữ liệu gắn chip, máy scan…) chưa được trang bị đầy đủ, chưa có chia sẻ, kết nối dữ liệu từ Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC thành phố nên mất rất nhiều thời gian cho khâu xử lý hồ sơ. Thêm vào đó, cán bộ trung tâm còn phải thực hiện các chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, phê duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp… nên quá tải công việc.
"Việc song song nhận hồ sơ đề nghị hưởng TCTN vừa trực tuyến vừa trực tiếp gây khó khăn cho đơn vị chức năng khi thực hiện chính sách và cũng chưa phù hợp với quy định hiện hành. Cần quy định thống nhất một hình thức để NLĐ và cơ quan thực thi dễ thực hiện" - bà Thục đề xuất.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Nhận định về quy trình, thủ tục giải quyết hưởng TCTN hiện nay, ThS Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, cho rằng còn phức tạp, thiếu minh bạch và hiệu quả thấp.
Theo ông Năm, quá trình xử lý nhiều bước, nhiều giấy tờ buộc NLĐ mất nhiều thời gian chuẩn bị và chứng thực. Thông tin cá nhân, hồ sơ lao động và bảo hiểm thường không được cập nhật kịp thời giữa các cơ quan liên quan (BHXH, cơ quan quản lý lao động), dẫn đến việc NLĐ phải cung cấp lại giấy tờ đã có sẵn ở các cơ quan khác; thiếu cơ chế thông tin về quy trình và tiến độ xử lý khiến NLĐ gặp khó khăn trong việc theo dõi tiến độ giải quyết của hồ sơ.
Bên cạnh đó, cũng vì thủ tục, giấy tờ phức tạp nên nhiều trường hợp hồ sơ bị xử lý chậm trễ, thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận TCTN có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng gây khó khăn cho NLĐ khi cần hỗ trợ kịp thời. "Mặc dù có nỗ lực số hóa nhưng việc áp dụng công nghệ chưa triệt để. Hệ thống quản lý dữ liệu không được kết nối đồng bộ giữa các cơ quan, dẫn đến tình trạng phải xử lý thủ công, dễ gây ra sai sót, chậm trễ" - ông Năm nói.
Để tạo thuận lợi cho NLĐ trong việc hưởng chế độ, đồng thời giảm áp lực cho cơ quan thực thi, ông Năm, kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ tích hợp, đồng bộ giữa Cổng DVC quốc gia và Cổng DVC TP HCM để NLĐ chỉ nộp hồ sơ giải quyết hưởng TCTN trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia. Đồng thời, triển khai các công nghệ mới, cũng như khuyến nghị chính sách hỗ trợ việc số hóa quy trình, hồ sơ hưởng TCTN; sửa đổi điều kiện và hồ sơ hưởng TCTN theo hướng đơn giản hóa vì các dữ liệu của NLĐ đã được các cơ quan thu thập khi tham gia BHTN.
Bên cạnh đó, chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm cần đa dạng, có sự kết nối với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, chuyên gia tư vấn về việc làm cả trực tuyến và ngoại tuyến tạo thuận lợi cho NLĐ, người sử dụng lao động tiếp cận, thụ hưởng và nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động...
ThS Hoàng Thị Minh Tâm, Giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cho hay quy định hiện hành và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đều yêu cầu NLĐ nộp hồ sơ hưởng TCTN trực tiếp. Tuy nhiên, để phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và Quyết định số 1333/QĐ-BHXH về quy trình số hóa hồ sơ giấy tờ, thủ tục hành chính của BHXH Việt Nam cần xem xét lại quy định này.
Theo bà Tâm, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhận hồ sơ và ban hành các quyết định về BHTN là xu hướng chung tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc buộc NLĐ trực tiếp nộp hồ sơ là khá cứng nhắc, cần bổ sung quy định về việc nộp hồ sơ trực tuyến để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và phù hợp với tinh thần của các văn bản nêu trên.
Linh hoạt
Theo ThS Hoàng Thị Minh Tâm, trong bối cảnh hiện nay quy định trong thời gian hưởng TCTN, hằng tháng NLĐ phải trực tiếp thông báo với trung tâm DVVL về việc tìm kiếm việc làm đã không còn phù hợp. Do vậy, nên có sự linh hoạt giữa hình thức thông báo trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ trong thời gian hưởng TCTN; bảo đảm tuân thủ nguyên tắc việc thực hiện BHTN phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, kịp thời.
Bình luận (0)