Mới đây, khi thực hiện kiểm toán định kỳ, Công ty TNHH N.V (quận 12, TP HCM) phát hiện gần 3.000 chiếc áo thun ở khâu hoàn thành bỗng dưng "bốc hơi" và được rao bán trên mạng. Để không vi phạm hợp đồng với đối tác, công ty đã cho nhân viên mua lại toàn bộ số sản phẩm này.
Thiếu chứng cứ
Thông tin đến công nhân (CN), công ty cho hay đã chi 70 triệu đồng để mua lại hàng hóa. Số tiền này, công ty sẽ chịu 40 triệu đồng, còn lại do toàn bộ CN khâu hoàn thành trả. Dù người lao động (NLĐ) không đồng ý với hướng giải quyết này nhưng công ty vẫn công bố danh sách 112 CN bị trừ tiền do để xảy ra mất hàng hóa. Mỗi CN bị trừ từ khoảng 64.000 đồng đến hơn 800.000 đồng, tùy chức vụ, hệ số lương và số giờ công của từng người. Số tiền này công ty sẽ khấu trừ vào kỳ lương tháng 4-2024 của NLĐ.
Việc công ty tùy tiện trừ tiền khiến tập thể CN rất bức xúc, khiếu nại đến cơ quan chức năng. Bởi lẽ, công ty không xác định được thời điểm mất hàng, người lấy hàng. Công ty cũng không chứng minh được hành vi lấy trộm và cũng không tuân thủ đúng quy trình xử lý kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Theo tập thể CN, khi ra vào công ty, NLĐ đều bị bảo vệ kiểm tra nên việc tuồn một số lượng lớn hàng hóa như vậy ra khỏi nhà máy là việc không đơn giản. Trong khu vực hoàn thành có cả bộ phận kiểm hàng (QC) nhưng công ty chỉ quy trách nhiệm cho riêng bộ phận ủi hoàn thành là không thỏa đáng. "Việc trừ tiền không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của CN" - nhiều CN bức xúc.
Làm việc với Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza), phía công ty lý giải khoản tiền bị trừ không phải tiền lương mà là tiền năng suất của NLĐ. Tuy nhiên, đại diện Hepza khẳng định việc làm của công ty là sai, bởi nếu muốn trừ tiền năng suất của NLĐ cũng phải có quy chế đánh giá và quy trình thực hiện. Nếu khấu trừ tiền lương, xử lý kỷ luật - trách nhiệm vật chất cũng phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Từ khuyến cáo của cơ quan chức năng, công ty đã phải hoàn trả số tiền đã khấu trừ cho NLĐ.
Đừng vì cái lợi trước mắt
Không riêng Công ty TNHH N.V, tình trạng mất trộm hàng hóa đang xảy ra khá phổ biến tại các doanh nghiệp (DN). Nhiều công ty đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn không thể kiểm soát được tình trạng này.
Bà T.T.L, trưởng phòng nhân sự một công ty may mặc tại quận 12, TP HCM, cho biết dù công ty có trang bị camera an ninh và bố trí bảo vệ nam/nữ rà soát từng người khi qua cổng, song vẫn bị CN "qua mặt" bằng nhiều cách. Ví dụ như: bỏ sản phẩm vào thùng rác; dán dưới gầm xe máy mặc sản phẩm bị trộm bên trong áo khoác. "Đối với những vụ việc nghiêm trọng, công ty sẽ báo công an xử lý. Riêng các vụ trộm vặt, công ty sẽ lập biên bản và yêu cầu NLĐ tự viết đơn xin nghỉ việc. Cách làm này sẽ giúp công ty hạn chế rủi ro pháp lý khi xử lý kỷ luật lao động" - bà L. cho hay.
Tại Công ty TNHH S.V (chuyên gia công ba-lô, túi xách xuất khẩu, huyện Hóc Môn, TP HCM) cũng xảy ra tình trạng mất cắp hàng hóa, nhất là đối với những sản phẩm nhỏ, dễ cất giấu. Công ty có bố trí camera nhưng để tạo sự thoải mái cho CN, bảo vệ không kiểm soát từng người khi ra vào nhà máy mà chỉ kiểm tra khi có nghi vấn. Đại diện công ty cho biết giá mỗi sản phẩm từ vài chục đến khoảng 500 USD nhưng nếu NLĐ lấy trộm mang ra bên ngoài khó bán giá cao.
Tuy nhiên, hành vi "trộm vặt" của NLĐ có thể gây thiệt hại cho DN nếu bị đối tác phát hiện các hàng gia công độc quyền được bán bên ngoài. DN sẽ phải bồi thường, thậm chí bị cắt hợp đồng. Để hạn chế tình trạng trên, nội quy của công ty quy định rõ khi NLĐ mang bất cứ tài sản nào (kể cả vải vụn, đồ phế phẩm…) ra khỏi nhà máy mà chưa được sự cho phép thì đều được xem là hành vi trộm cắp và sẽ bị xử lý kỷ luật hình thức sa thải.
Tuân thủ quy định pháp luật
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định việc NLĐ trộm cắp hàng hóa của DN là hành vi sai trái, cần lên án. Tuy nhiên, việc xử lý NLĐ có hành vi vi phạm cũng cần tuân thủ quy trình, quy định pháp luật nhằm xử lý đúng người, đúng tội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho cả DN và NLĐ. Bên cạnh đó, DN cũng cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nội quy lao động cho NLĐ; lắp đặt thiết bị an ninh, giám sát; quản lý chặt và thường xuyên rà soát nhân sự các bộ phận liên quan đến kiểm hàng, xuất hàng như bảo vệ, thủ kho.
Bình luận (0)