Tôi có cậu con trai đang học lớp 1 tại TP HCM. Mỗi sáng khi cháu đến trường luôn có cô giáo đứng đón ở cửa lớp. Câu nói cô giáo trao đổi thường xuyên với phụ huynh là "hôm nay con đi học về có vui không ba, mẹ?". Tất cả chương trình học đều được cô trò giải quyết ở lớp nên không có bài tập về nhà. Thỉnh thoảng có bài tập chỉ là những bài ôn rất nhẹ nhàng và con tôi tự giải quyết. Cô giáo không chấm điểm các bài học. Điều này rất khác với những gì chúng ta vốn đã được học trước đây. Với tôi, đây chính là sự đổi mới, bởi các con luôn vui vẻ đến lớp và dễ dàng tiếp thu bài học từ cô giáo.
Xuất phát từ điều kiện khá khó khăn nên khi thực hiện đổi mới giáo dục ở nước ta cũng rất khó khăn. Vừa thực hiện các kế hoạch lâu dài như trang bị cơ sở vật chất, cải cách tiền lương giáo viên… vừa phải giải quyết cùng lúc các vấn đề: đổi mới sách giáo khoa, chuẩn hóa trình độ giáo viên, thay đổi thái độ học tập, xóa bệnh thành tích... Chúng ta đã mất vài thập kỷ và có lẽ cần thêm vài thập kỷ nữa để giải quyết các vấn đề trên.
Có nhiều mô hình giáo dục tiên tiến mà chúng ta đã học hỏi, như chương trình phổ thông của Phần Lan, Singapore, chương trình đại học của Hàn Quốc, Canada… Mô hình nào cũng lấy học sinh làm trung tâm, ưu tiên phát triển nhân cách và chú trọng tinh thần tự học. Trong kế hoạch tổng thể này, giáo viên đóng vai trò cốt lõi và được tạo mọi điều kiện để làm việc. Mức lương của giáo viên rất tốt để họ an tâm hoàn thiện trình độ giảng dạy. Với vai trò đặc thù, họ được xã hội tôn trọng và luôn nhận được sự hợp tác của phụ huynh. Quan trọng hơn, chương trình giáo dục được thiết kế nhằm hoàn thiện kiến thức cho học sinh nhưng không bị áp lực về thành tích.
Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong cải cách giáo dục ở ta chính là thoát khỏi căn bệnh thành tích đã tồn tại nhiều năm qua. Căn bệnh này có ở những cơ quan quản lý giáo dục cấp trên và áp lực xuống từng địa phương và cuối cùng vẫn là đè nặng trên từng giáo viên đứng lớp. Điểm số và thành tích học sinh gần như là chỉ số lớn nhất để đánh giá giáo viên, đánh giá trường học và cả ngành giáo dục. Bệnh thành tích còn nghiêm trọng không kém khi xuất phát từ chính phụ huynh. Tâm lý "con chúng ta phải giỏi nhất" nên phải học ngày học đêm, học thêm… đã đẩy những đứa trẻ xa rời mục tiêu "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" mà ngành giáo dục đã đặt ra.
Thực trạng này không thay đổi được dễ làm vô hiệu hóa các chương trình cải cách. Càng nguy hiểm hơn là bệnh thành tích sẽ ngăn cách học sinh với các chương trình học thật, kiến thức thật và phát triển toàn diện mà chúng ta đang xây dựng.
Đổi mới giáo dục là mục tiêu vĩ mô và rất gian nan của bất cứ quốc gia nào. Thực hiện tốt chúng ta sẽ có những thế hệ công dân tốt. Có công dân tốt chúng ta mới xây dựng được một quốc gia phát triển theo đúng nghĩa quốc gia hạnh phúc.
Bình luận (0)