xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo dục nghề nghiệp vẫn khó tuyển sinh

Bài và ảnh: GIANG NAM

Chính sách chưa đồng bộ, sự quan tâm của xã hội chưa tương xứng... khiến hoạt động giáo dục nghề nghiệp khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động

Từ năm 2004 đến nay, cụm từ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được nhắc đến nhiều trong các chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tay nghề giỏi, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Song, hiện GDNN vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tuyển sinh.

Nhiều nguyên nhân

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, trong 7 tháng đầu năm 2024, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tuyển sinh được 134.151 người. Trong đó, có 4.624 sinh viên cao đẳng (CĐ), 3.821 học sinh trung cấp (TC), 125.706 học viên sơ cấp, còn lại là đào tạo thường xuyên. Kết quả tuyển sinh này tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng so với chỉ tiêu năm 2024 mới đạt hơn 42,58%.

Trường Cao đẳng Thaco (tỉnh Quảng Nam) đầu tư thiết bị thực hành hiện đại

Trường Cao đẳng Thaco (tỉnh Quảng Nam) đầu tư thiết bị thực hành hiện đại

Ông Nguyễn Chí Thành, Trưởng Phòng GDNN - Sở LĐ-TB-XH TP HCM, cho biết các nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm tỉ trọng lớn, trong khi trình độ CĐ, TC chiếm tỉ trọng thấp. Ông cho rằng 7 tháng đầu năm vốn là thời điểm tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) nên việc cơ sở GDNN bị cạnh tranh và kết quả tuyển sinh các trình độ CĐ, TC thấp là điều khó tránh.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - Bộ LĐ-TB-XH, nhận xét kết quả tuyển sinh giai đoạn 2020 - 2024 cho thấy nhận thức của xã hội về vai trò của GDNN đã từng bước được nâng lên. Việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào GDNN ngày càng chuyển biến tích cực. Phụ huynh, học sinh và doanh nghiệp (DN) ngày càng quan tâm đến GDNN. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh GDNN vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Tuyển sinh ĐH hiện chiếm quy mô và số lượng lớn, với gần 70% học sinh tốt nghiệp THPT năm 2024. Phương thức tuyển sinh ĐH ngày càng đơn giản, lấy cả những học sinh có học lực trung bình, thậm chí dưới mức trung bình, khiến cơ hội vào ĐH ngày càng cao. Điều này vô tình đẩy việc tuyển sinh của các trường CĐ, TC GDNN ngày càng khó. Một số cơ sở GDNN tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường tuyển sinh được rất thấp.

Bên cạnh đó, khâu hướng nghiệp chưa được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản khiến người học chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của GDNN trong nền kinh tế. Nhiều cơ hội việc làm trước mắt không yêu cầu trình độ, tay nghề đã "lấy đi" cơ hội học nghề của người lao động.

Gắn kết đào tạo với việc làm

Nhiều lãnh đạo trường nghề cho biết từ năm 2017, các trường CĐ, TC nghề (trừ trường CĐ sư phạm mầm non) thuộc sự quản lý của Bộ LĐ-TB-XH. Từ đó, các cơ sở GDNN không có trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này khiến học sinh không có thông tin, không nắm rõ quy trình tuyển sinh và không biết cách đăng ký vào các trường nghề.

TS Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng để thu hút người học và đẩy mạnh hoạt động GDNN, phải bắt đầu từ việc tăng cường tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh một cách chuyên nghiệp. Phải làm sao để xã hội nhận thức rõ vai trò quan trọng của GDNN trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc phân tuyến, phân luồng phải được triển khai sớm. Trong đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ hiện đại để kiểm tra năng lực học tập và hướng nghiệp, giúp người học được định hướng nghề sớm hơn. Điều quan trọng là phải gắn kết tuyển sinh - đào tạo với thị trường lao động - việc làm và giải quyết việc làm cho người tham gia GDNN.

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Thái Tổ (tỉnh Bắc Ninh), phát triển GDNN cần tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi: Học để làm, làm theo vị trí việc làm và học tập suốt đời. Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, gồm DN, cơ sở GDNN, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và chính quyền địa phương.

"Các DN cần tham gia quá trình xác định năng lực cần thiết cho các vị trí việc làm; phối hợp với cơ sở GDNN để đào tạo, cung cấp nơi thực tập và cam kết việc làm cho học viên học nghề" - TS Đông nhấn mạnh.

Là người đứng đầu một đơn vị tư nhân tham gia lĩnh vực GDNN, TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển GDNN.

"Nhà nước cần có những chính sách mạnh mẽ đầu tư cho hoạt động GDNN, từ việc miễn giảm tiền thuê đất, thuế đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đến công khai dự án GDNN và cổ phần hóa đơn vị công lập kém hiệu quả" - ông Lâm đề xuất. 

Thu hẹp, xóa bỏ khoảng cách

Theo ông Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Việt Nam - Singapore (tỉnh Bình Dương), hiện nay, kiến thức giảng dạy trong trường học đa phần còn lạc hậu khá xa so với việc ứng dụng thực tế tại DN. Nếu không thu hẹp, xóa bỏ khoảng cách giữa đào tạo với thực tiễn vị trí việc làm thì có khi cơ sở GDNN đào tạo xong, DN phải đào tạo lại.

Do đó, ông Phong cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ hoặc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế hoạt động để các trường nghề được dễ dàng đầu tư trang thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại phục vụ việc GDNN.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo