Bởi đó là những người Thầy mà phẩm hạnh là tấm gương tận hiến cho con người, cho cuộc đời và được nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ soi vào và noi theo.
Cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 này tiếp tục góp phần kích hoạt cảm xúc, trước nhất là cảm xúc của người cầm bút chuyên và không chuyên và tỏa lan cảm xúc không chỉ đối với người Thầy mà còn là cảm xúc của Trò - một đội ngũ hùng hậu, không chỉ làm việc, sáng tạo, cống hiến trong hệ thống giáo dục.
Cuộc thi quy tụ được nhiều cây bút chuyên và không chuyên thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, nhiều vùng miền. Nội dung bài viết cũng đa dạng và phong phú hơn. Những người Thầy tận tâm tận lực với học trò ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; những người Thầy trực tiếp giảng dạy ở những bậc tiểu học, trung học ở đồng bằng, ở thành thị; những người Thầy có nhiều công trình nghiên cứu, giảng dạy, quản lý ở nhiều trường đại học và cả những người Thầy mà tên tuổi trở nên quen thuộc. Đó là những người Thầy mà sự nghiệp cống hiến cùng những công trình nghiên cứu về văn hóa giáo dục của họ đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm cũng như góp phần cho sự hướng nghiệp của nhiều thế hệ trò đã tiếp nối sự nghiệp làm thầy của những người Thầy kính yêu.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ trao bằng khen cho các thầy, cô giáo có thành tích cao
Người Thầy, nhân vật của nhiều bài viết được khắc họa rõ nét hơn về tình cảm, tính cách, đặc biệt là sự tận hiến cho nghề nghiệp vừa hết sức nhọc nhằn lại vừa vô cùng cao quý.
Trong 20 bài viết vào vòng chung khảo cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" lần 2 này được các thành viên Ban Chung khảo thống nhất cao và chọn 7 tác phẩm đề nghị Ban Tổ chức trao giải.
Có lẽ ai cũng biết, người Thầy giỏi nhất, người Thầy được kính yêu nhất, ắt hẳn là người Thầy có dung lượng tri thức và trữ lượng cảm xúc làm nên sức mạnh tác động trực tiếp đến tình cảm, nhận thức, khơi mở năng lực và lối đi, vun đắp mơ ước cho học trò... và đó luôn là người Thầy truyền đạt kiến thức bằng trái tim đầy ắp thương yêu. Vì vậy, viết hay về người Thầy kính yêu, cũng phải viết bằng sự thôi thúc từ chính trái tim. Câu chữ được viết từ trái tim mới có thể tạo được cảm xúc và chỉ có cảm xúc mới làm trái tim xao xuyến.
Biết ơn người Thầy, người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn góp phầm tạo nên lớp người có đức, có tài, có lẽ còn là cái đích mà cuộc thi viết "Người Thầy kính yêu" tiếp tục hướng tới. Bởi, trong dòng đời vạn biến này thì lòng biết ơn luôn là giá trị bất biến.
(*) Bài trích từ phát biểu của tác giả tại lễ trao giải sáng 17-11; tựa do Tòa soạn đặt lại
Bình luận (0)