NHNN khẳng định các quy định này nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong quá trình cho vay, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Thực tế, quy định này là đúng với yêu cầu kiểm soát rủi ro tín dụng của ngành NH, nhưng mục tiêu phục hồi kinh tế cũng quan trọng không kém. Và vấn đề nào ưu tiên sẽ cần phải làm trước. Thời điểm hiện tại, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn và Chính phủ yêu cầu triển khai loạt chính sách hỗ trợ để phục hồi kinh tế, thì quy định trong Thông tư 06 lại tạo thêm rào cản theo nghĩa "khó chồng khó đối với thị trường BĐS" nên chưa đúng thời điểm.
Đặc biệt là quy định không cho vay vốn để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh tạo khó khăn cho người mua BĐS hình thành trong tương lai. Lâu nay, tất cả thỏa thuận mua bán trước khi mở bán đều theo hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh và NH thương mại sẵn sàng cho vay để chủ đầu tư thực hiện hợp đồng. Bởi chủ đầu tư rất khó hoặc không thể xây xong hết chung cư hoặc có sổ, mới mở bán…
Nếu các quy định cấm của Thông tư 06 có hiệu lực, chủ đầu tư không thể huy động vốn từ người mua, càng khó hơn trong bối cảnh thị trường BĐS trầm lắng, thanh khoản vắng bóng hiện tại. Điều này sẽ đẩy giá nhà đất tăng cao do toàn bộ chi phí từ số vốn quá lớn mà chủ đầu tư bỏ ra sẽ được tính vào giá thành sản phẩm. Chưa kể, nguồn cung căn hộ sẽ bị sụt giảm mạnh vì rất khó có chủ đầu tư nào đủ nguồn vốn để hoàn thiện xong dự án mới mở bán.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội BĐS Việt Nam, ngành này đóng góp trực tiếp khoảng 15% vào tỉ trọng GDP của quốc gia, cùng với sức lan tỏa liên quan tới gần 40 ngành nghề khác của nền kinh tế như xây dựng, tài chính, NH, chứng khoán, bảo hiểm, du lịch, nông nghiệp... Từ giữa năm ngoái đến nay, thị trường BĐS rơi vào khó khăn đã tác động khá lớn đến tăng trưởng chung của kinh tế. Nếu so sánh ở thời điểm hiện tại, khó khăn có thể còn hơn giai đoạn đóng băng năm 2011-2013 vì kênh huy động vốn từ trái phiếu DN vẫn đang tắc và gần như chỉ còn kênh dẫn vốn từ tín dụng NH.
Nếu triển khai các quy định của Thông tư 06 thời gian tới, cần nghiên cứu quy định rõ ràng hơn, tránh mơ hồ và rất cần lộ trình để DN có sự chuẩn bị, lộ trình có thể từ 6 tháng đến 1 năm bởi một dự án BĐS thường triển khai trong vài năm. Chính sách không thể ban hành với hiệu lực ngay trong 1-2 tháng, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh của DN, khiến họ trở tay không kịp.
Riêng đối với thị trường BĐS, tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng nhưng vẫn cần kiểm soát rủi ro. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý cần nghiên cứu các chính sách linh hoạt, phù hợp để kiểm soát dòng vốn từ NH chảy vào những khách hàng có nhu cầu thực, phân khúc phù hợp, tránh dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực đầu cơ, nhiều rủi ro…
Thái Phương ghi
Bình luận (0)