xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quay lại sân nhà

A.Q

Sau nhiều tuần nỗ lực giải quyết, đến giờ này vẫn còn khoảng 3.600 xe container nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc, chờ xuất qua Trung Quốc.

Trước đó, khoảng 2.500 xe đã quay đầu đưa hàng về tiêu thụ nội địa hoặc xuất qua các ngả khác (chính ngạch) như đường biển, đường sắt.

Theo các bộ, ngành hữu quan, ở biên giới phía Bắc giáp ranh Trung Quốc có khoảng 10 cửa khẩu và lối mở, có thể "đánh hàng" tiểu ngạch. Trước nay, giao dịch giữa thương nhân hai nước chủ yếu theo hình thức biên mậu vì thủ tục đơn giản, điều kiện không quá khắt khe, chi phí ít, thời gian ngắn. Nhưng cũng với hình thức này, rủi ro tiềm ẩn rất lớn và thực tế cho thấy mỗi khi xảy ra sự cố thì bên bán hàng, tức phía Việt Nam, thường rơi vào thế bị động, lúng túng; thương nhân và nông dân chịu nhiều thiệt thòi. Riêng đợt kẹt hàng kéo dài với khối lượng rất lớn mới đây nhất, thiệt hại tạm tính đã là hàng ngàn tỉ đồng.

Hồi tháng 9-2021, Thương vụ Việt Nam tại Úc loan tin trái thanh long Việt Nam đã có mặt trên kệ các chuỗi siêu thị danh tiếng ở xứ sở chuột túi, giá bán quy tiền Việt khoảng 81.000 đồng/trái. Nghe vậy ai cũng mừng! Tất nhiên, để vào được thị trường khó tính này, trái thanh long Việt Nam phải là "hàng tuyển" mới vượt qua được hàng rào tiêu chuẩn an toàn sinh học rất khắt khe của Úc, cùng với đó là nỗ lực xúc tiến, đàm phán của hàng loạt cơ quan ngoại giao, công thương, nông nghiệp hai nước.

Nhưng đó chỉ là một vệt sáng trên bức tranh nông sản. Hầu hết lượng thanh long trong nước còn lại của chúng ta xuất sang Trung Quốc nhiều nhất, giá thấp và thường xuyên rơi vào tình trạng cần "giải cứu". Những ngày này, tại thủ phủ thanh long miền Nam là Tiền Giang và Bến Tre, thanh long thu hoạch tại vườn bán tháo chỉ 3.000-5.000 đồng/kg mà không ai ngó ngàng. Người trồng phần thì để chín trên cây cho đến hỏng, phần thì chất vào cần xé bày ven đường chờ thương lái tới mua. Với họ, trồng thanh long nghịch mùa (để bán Tết) thì chi phí đầu vào luôn cao hơn trồng thuận mùa nhưng đến kỳ thu hoạch mà ảm đạm như thế thì sắp tới khỏi ăn Tết!

Đó là chưa nói mít Thái, dưa hấu, chuối cũng cùng cảnh ngộ, bởi đầu ra lớn nhất từ phía Bắc đang bị tắc. Nông dân đã khổ, doanh nghiệp cũng lao đao, "đánh hàng" càng lớn thì lỗ càng to. Các bộ, ngành kêu gọi doanh nghiệp đừng đưa hàng lên biên giới nữa, song không đưa lên thì biết chở đi đâu?!

Thị trường nội địa là một trong những lối thoát. Trong khoảng 2.500 container nông sản xuất khẩu vừa qua đã quay đầu, có một lượng lớn được tung ra bán tại thị trường trong nước. Với cách giải quyết này, bên bán tránh được thiệt hại, còn người tiêu dùng thì có cơ hội mua hàng chất lượng tốt với giá phải chăng. Từ đây thấy thêm một điều nhãn tiền, đã xảy ra từ lâu song ít được để tâm, đó là doanh nghiệp chuộng thị trường xuất khẩu hơn vì bán được số lượng lớn, thu về ngoại tệ; còn người tiêu dùng trong nước thì "định kiến" rằng hàng ngon đều đã xuất khẩu cả, số để lại bán trong nước là hàng lỗi, hàng thứ phẩm. Vì vậy mà cung - cầu không gặp nhau.

Với 100 triệu dân, thị trường Việt Nam được các nhà bán lẻ nước ngoài đánh giá là béo bở. Tại sao không tận dụng lợi thế này? Và xuất khẩu chính ngạch là con đường bền vững, dẫu khó khăn và phức tạp song nếu tiến hành một cách bài bản, có sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm của nhiều bộ, ngành hữu quan thì hà cớ gì nông sản Việt Nam không đường đường chính chính ra nước ngoài?

Quay lại sân nhà không chỉ giúp giữ kênh tiêu thụ lớn cho hàng Việt mà còn giảm bớt sự lấn át của hàng ngoại. Cùng với đó là phải thay đổi, hiện đại hóa phương thức tiếp thị, bán hàng. Xin nêu ra một trường hợp: Bao lâu nay, ở miền Nam truyền tai nhau bò tơ Củ Chi ngon, mềm nức tiếng; nhưng hãy lên mạng xã hội, search từ khóa "thịt bò", sẽ thấy bò Mỹ, bò Úc, bò Nhật hiển thị đầy màn hình, nhiều loại giá hàng triệu đồng/kg, đố tìm ra bò Củ Chi! Ấy là vì họ chủ động tìm đến bữa ăn của người tiêu dùng khá giả nước ta từ lâu rồi, bằng các kênh marketing rất thời thượng. Còn bò Củ Chi thì hình như còn đang đủng đỉnh vừa gặm cỏ vừa lội bộ! 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo