Bạn đã bao giờ làm visa đi nước ngoài mà phải tìm mọi cách để chứng minh là mình có đủ tiền để sống những ngày ở bên đó chưa? Hay đi nước ngoài mà phải nhập cảnh bằng một lối đi riêng dành cho người Việt?
Giàu có, hùng cường
Hãy nhìn người Nhật Bản, người Hàn Quốc, người Mỹ... đi nước ngoài. Những người này thậm chí chẳng cần xin visa nhập cảnh. Cứ cầm hộ chiếu của nước mình trên tay là họ có thể đi đến hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới. Họ không chỉ được chào đón nồng nhiệt hơn mà còn được thưa gửi lễ phép hơn. Có một vài lý do tại sao họ có được địa vị như vậy, nhưng lý do cơ bản nhất là: họ là công dân của những quốc gia giàu có, hùng cường.
Ngày 25-11-2022, Tập đoàn Vingroup đã làm lễ xuất khẩu lô xe gồm 999 chiếc ô-tô điện VinFast VF8 sang thị trường Mỹ. Ảnh: Phương Linh
Cho đến khi Việt nam trở thành một quốc gia như vậy, chúng ta sẽ còn phải chứng minh về điều kiện tài chính của mình để được cấp visa. Và trong một vài trường hợp cá biệt, chúng ta sẽ còn phải nhập cảnh theo một lối đi riêng dành cho người Việt.
Rõ ràng, chỉ có giàu có và hùng cường mới là sự bảo đảm chắc chắn cho phẩm giá của chúng ta. Chính vì vậy, giàu có và hùng cường cũng phải là khát vọng lớn nhất của dân tộc ta. Khát vọng này đã được phản ánh trong Văn kiện của Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, cụ thể là đến năm 2045, Việt Nam phải trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao.
Hãy để khát vọng này dẫn dắt mọi suy nghĩ và hành động của chúng ta, của tất cả những người con đất Việt.
Hiện thực hóa khát vọng
Trước hết, chúng ta phải đoàn kết, nhất trí, triệu người như một trong công cuộc chấn hưng đất nước. Chúng ta có thể có sở thích khác nhau, thậm chí có chính kiến khác nhau, nhưng chúng ta chỉ là một khi lao động, sáng tạo vì sự hùng cường của đất nước. Chúng ta phải sẵn sàng làm tốt hơn nữa những gì có thể làm cho đất nước trở nên giàu có, hùng cường; nhưng chúng ta cũng cần tránh làm những điều cản trở bước tiến của đất nước, cho dù đó là những điều nhỏ bé nhất.
Thứ hai, chúng ta phải hợp tác được với nhau để sáng tạo tương lai. Văn hóa của người Việt có rất nhiều điểm mạnh. Trước hết là hệ thống giá trị tạo nên tính cố kết cộng đồng rất cao, như lòng yêu nước, ý chí quật cường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận biết những điểm yếu về văn hóa của người Việt, như đoàn kết, hợp tác trong chiến đấu thì dễ; đoàn kết, hợp tác trong sáng tạo, trong kinh doanh lại khó khăn hơn. Hay chúng ta sẵn sàng giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, bị khổ đau, khốn quẫn, nhưng rất khó chia sẻ niềm vui với những người thành đạt hơn mình. Thật buồn tê tái, khi những chiếc xe điện thông minh mang thương hiệu Việt Nam Vinfast lần đầu tiên trong lịch sử được xuất khẩu sang Mỹ, mà vẫn có một số người dè bỉu, chê bai. Nếu chúng ta không hợp tác được với nhau, không đứng được lên vai nhau để trở thành người khổng lồ thì bao giờ đất nước Việt Nam có thể trở nên phát triển và hùng cường!?
Thứ ba, chuyên nghiệp và chuyên nghiệp hơn nữa phải là khẩu hiệu hành động của mỗi người dân đất Việt. Nếu tự do hóa là linh hồn của những cải cách được tiến hành từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay thì chuyên nghiệp hóa phải là linh hồn của những cải cách từ nay trở đi. Chuyên nghiệp hóa bắt đầu từ việc áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực và quy trình mang tính kỹ trị nghiêm ngặt trong việc ban hành chính sách và pháp luật. Các vấn đề phải được nhận biết trên cơ sở của dự liệu và chứng cứ. Các ưu tiên phải được xác lập đúng đắn trên cơ sở lợi ích của quốc gia. Các giải pháp/chính sách phải được đánh giá tác động trước khi ban hành.
Chuyên nghiệp hóa cũng bắt đầu từ sự phân công lao động rạch ròi, hợp lý và khoa học giữa các thiết chế trong xã hội của chúng ta. Quan trọng là cần phải khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp và lẫn lộn chức năng giữa các thiết chế.
Chuyên nghiệp hóa còn thể hiện ở kỹ năng nghề nghiệp. Ai làm nghề gì thì phải giỏi nghề đó. Làm chính khách thì phải giỏi hoạch định chính sách và thúc đẩy chính sách; làm công chức thì phải giỏi thực thi chính sách và pháp luật; làm viên chức thì phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; làm doanh nhân thì phải giỏi kinh doanh. Phẩm hạnh và giá trị của con người phải được đánh giá trước hết bằng trình độ chuyên môn, nghề nghiệp hơn là chức tước và bằng cấp.
Chuyên nghiệp hóa cũng thể hiện ở thái độ đối với nghề nghiệp. Làm nghề gì thì yêu quý nghề đó. Mỗi người, mỗi ngày đều cần phấn đấu liên tục để hoàn thiện không ngừng kỹ năng nghề nghiệp của mình. Từ việc nấu ăn đến việc lái xe, tất cả mọi việc đều có thể được hoàn thiện không ngừng, đều có thể ngày hôm sau làm tốt hơn ngày hôm trước. Tất cả mọi việc đều có thể nâng từ kỹ thuật lên thành nghệ thuật.
Thứ tư, để đất nước sớm trở nên giàu có, hùng cường thì hãy tiếp sức cho hàng hóa và dịch vụ của chúng ta bằng cách "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Những ai từng đến thủ đô Seoul sẽ nhận ra một điều đặc biệt là chạy trên đường phố gần như 100% chỉ là xe Hàn Quốc. Phải chăng sự tiếp sức này của người dân Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô-tô của họ vươn lên tầm cao thế giới. Tại sao người Hàn Quốc làm được, mà người Việt lại không?
Cuối cùng, để đất nước sớm trở nên giàu có, hùng cường thì những cải cách thể chế liên quan đến nền quản trị quốc gia là không thể thiếu. Tuy nhiên, không thể thiếu là cả khát vọng vươn lên và sự phấn đấu của mỗi người dân đất Việt.
Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Việt Nam là nơi hội tụ của hàng chục ngàn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 35.000 dự án FDI đang hoạt động có tổng vốn gần 430 tỉ USD.
Để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường thì "nội lực" là yếu tố quyết định nhưng chưa đủ. Việt Nam cần có sự ủng hộ, đồng hành với cả cộng đồng quốc tế để có thêm "ngoại lực" làm mạnh thêm "quốc lực" chung cho phát triển nhanh, bền vững".
(Trích phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tổ chức ngày 31-8-2022 ở Hà Nội).
Bình luận (0)