xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hợp đồng ký sai thẩm quyền, người lao động lãnh đủ

HƯƠNG HUYỀN

Việc ký hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn khiến người lao động thiệt thòi quyền lợi

Cho rằng bị Công ty TNHH Đ.H (quận Tân Bình, TP HCM) sa thải trái quy định pháp luật, bà T.T.T.H đã khởi kiện doanh nghiệp (DN) ra tòa đòi quyền lợi. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, dù quyết định sa thải được tòa tuyên hủy nhưng bà H. không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào.

Mất trắng

Theo đơn khởi kiện, bà H. làm việc tại công ty từ năm 2009 và đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn với vị trí công việc là phó giám đốc. Cuối tháng 8-2013, dù bà H. không tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động nhưng công ty vẫn ban hành quyết định xử kỷ luật lao động hình thức sa thải và quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với bà. Không đồng ý, bà H. khởi kiện yêu cầu công ty hủy quyết định sa thải; bồi thường 2 tháng tiền lương theo hợp đồng do sa thải trái pháp luật; trả lương những ngày không được làm việc; trợ cấp thôi việc; đóng BHXH…

Tại tòa, phía công ty không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H. Lý do là HĐLĐ vô hiệu do người đại diện phía DN đứng ra ký kết không đúng thẩm quyền. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 59 Luật DN năm 2005 quy định hợp đồng, giao dịch giữa công ty với thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty phải được hội đồng thành viên (HĐTV) chấp thuận. 

Mặt khác, theo điều lệ công ty, một trong những quyền hạn và nhiệm vụ của HĐTV là bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch HĐTV; miễn nhiệm, cách chức, kỷ luật và chấm dứt HĐLĐ đối với giám đốc hoặc tổng giám đốc, kế toán trưởng và người quản lý khác... Bà H. là thành viên công ty, được bổ nhiệm chức danh phó giám đốc là thuộc trường hợp "người quản lý khác". 

Vì vậy, việc ký HĐLĐ với bà H. bắt buộc phải thông qua quyết định của HĐTV, mà người thay mặt HĐTV là chủ tịch HĐTV. Tuy nhiên, HĐLĐ giao kết với bà H. do ông N.T.S, người đại diện theo pháp luật của công ty, ký. Việc ký kết HĐLĐ với bà H. không có sự chấp thuận HĐTV và ông N.T.S cũng không thông báo cho HĐTV biết về sự tồn tại của HĐLĐ này. "Việc ký HĐLĐ giữa ông N.T.S và bà H. là vi phạm quy định pháp luật, điều lệ công ty nên HĐLĐ bị vô hiệu" - đại diện công ty khẳng định.

Tại phiên xử phúc thẩm vừa qua, hội đồng xét xử nhận định việc người đại diện theo pháp luật của công ty giao kết HĐLĐ với bà H. khi chưa được HĐTV thông qua được xác định là giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện. Cho nên có cơ sở xác định HĐLĐ giữa công ty và bà H. vô hiệu toàn bộ theo quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ). 

Do đó, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa DN và bà H., quyết định xử lý kỷ luật sa thải của công ty đối với bà H. là không đúng quy định pháp luật. Từ đó, tòa tuyên hủy quyết định sa thải của công ty, đồng thời không chấp nhận yêu cầu giải quyết các quyền lợi của bà H.

Hợp đồng ký sai thẩm quyền, người lao động lãnh đủ- Ảnh 1.

Tư vấn pháp luật cho người lao động tại quận 7, TP HCM. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Doanh nghiệp bối rối

Hiện nay, thẩm quyền giao kết HĐLĐ phía người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ đã được quy định tại điều 18 BLLĐ năm 2019. Cụ thể, người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ là người thuộc một trong các trường hợp: Người đại diện theo pháp luật của DN hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật; Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định; Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động. 

Về phía NLĐ, NLĐ sẽ trực tiếp giao kết HĐLĐ. Riêng đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm NLĐ từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một NLĐ trong nhóm để giao kết HĐLĐ.

Tuy vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, thực tế cho thấy khi ký kết HĐLĐ, các bên, đặc biệt là phía NLĐ thường ít quan tâm đến thẩm quyền của người ký kết. NLĐ cứ thấy người ký là đại diện theo pháp luật của công ty và HĐLĐ có đóng dấu của DN là an tâm rằng mình đã giao kết đúng quy định. Mặt khác, ở góc độ NSDLĐ, ngoài BLLĐ, việc bổ nhiệm các chức danh quản lý còn được điều chỉnh bởi các quy định khác như Luật DN, Luật Công chức, điều lệ DN… nên khó bao quát hết. 

Tại buổi đối thoại với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM mới đây, tình huống DN đặt ra về thẩm quyền giao kết HĐLĐ đã khiến cơ quan chức năng bối rối. Đó là trường hợp tại công ty TNHH một thành viên, có người đại diện pháp luật vừa là chủ sở hữu vừa là tổng giám đốc công ty, thì ai sẽ là người có thẩm quyền giao kết HĐLĐ với tổng giám đốc hoặc người này có được tự ký HĐLĐ, trả lương cho chính mình? 

Phản hồi ý kiến này, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP cho hay sẽ nghiên cứu thêm về tình huống này. Tuy nhiên, theo đại diện sở, thay vì chủ sở hữu phải thuê nhân sự phụ trách các chức danh quản lý, điều hành DN (tổng giám đốc) thì bản thân họ tự đảm trách luôn. 

"Hiện nay không có quy định nào cấm chủ DN đứng ra tự điều hành, quản lý DN và trả lương cho mình. Do vậy, DN căn cứ điều lệ công ty để thực hiện. Song theo các DN, để bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, họ mong muốn quy định về thẩm quyền ký HĐLĐ cần rõ ràng, cụ thể hơn đối với từng loại hình DN để cả NSDLĐ và NLĐ dễ nắm bắt và thực hiện. 

Vô hiệu nếu ký không đúng thẩm quyền

Theo quy định của BLLĐ, trường hợp người giao kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền thì HĐLĐ sẽ bị vô hiệu toàn bộ. Khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ, NLĐ và NSDLĐ ký lại HĐLĐ theo đúng quy định. Trường hợp không ký lại thì thực hiện chấm dứt HĐLĐ. Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của NLĐ (kể từ khi bắt đầu làm việc theo HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt) nếu không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì thực hiện theo nội dung HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo