Bộ Luật Lao động 2019 quy định rõ về quyền lợi của lao động nữ (LĐN) mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng ngoài chế độ thai sản. Đó là giảm bớt giờ làm hay chuyển sang việc nhẹ hơn khi LĐN mang thai làm công việc nặng nhọc; được nghỉ 60 phút/ngày, không bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật khi con dưới 12 tháng tuổi; bảo đảm việc làm sau thời gian nghỉ thai sản...
Nhiều nỗi lo
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều yếu tố tác động đến quyết định sinh con của LĐN. Điển hình như chi phí sinh hoạt cao (bao gồm chi phí y tế, giáo dục và sinh hoạt hằng ngày), thu nhập không ổn định hoặc thấp; thời gian làm việc dài, công việc căng thẳng và thiếu linh hoạt; quan niệm về vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; trình độ học vấn và nhận thức về sức khỏe sinh sản, quyền lợi của phụ nữ; sự lựa chọn về lối sống, ưu tiên cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp và sự phát triển cá nhân có thể làm cho phụ nữ trì hoãn hoặc không muốn sinh con. Ngoài ra, sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc trẻ em như nhà trẻ, mẫu giáo, các dịch vụ hỗ trợ gia đình, môi trường sống và an ninh xã hội cũng là yếu tố quan trọng.
Đặc biệt chính sách của nhà nước, doanh nghiệp (DN) trong việc hỗ trợ phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ như chế độ, thời gian nghỉ thai sản; hỗ trợ chăm sóc trẻ em; môi trường làm việc thân thiện; bảo hiểm y tế; bảo hiểm xã hội; hỗ trợ tài chính cho gia đình có con nhỏ; giáo dục miễn phí cho trẻ em... cũng ảnh hưởng đến quyết định sinh con.
Vợ chồng chị Phạm Thị Thùy Linh, làm việc cho một công ty khí đốt có trụ sở tại quận 1 (TP HCM), quyết định dừng lại ở 1 con.
Chị Linh làm nhân viên văn phòng, chồng kinh doanh tự do. Hai vợ chồng đều là người ngoại tỉnh nhập cư nên phải tự lo, không được cha mẹ hai bên hỗ trợ.
Trong giai đoạn mang thai rồi sinh con, chị Linh vừa đi học thêm nghiệp vụ vừa trả tiền góp cho căn hộ chung cư. Con trai của chị Linh khó nuôi, cứ khóc ngằn ngặt cả ngày.
"Nghe tiếng khóc của con mà tôi cảm thấy mệt mỏi, âu lo và stress" - chị Linh nhớ lại. Đến khi bé đi nhà trẻ thì bắt đầu bệnh vặt, chị phải thường xuyên nghỉ làm để chăm sóc con ốm hoặc có khi đang ở công ty, cô giáo gọi điện thoại báo bé sốt cao, chị phải về rước con.
"Tôi nghỉ việc nhiều đến nỗi đồng nghiệp xầm xì, cho rằng tôi lười biếng, trốn việc. Bây giờ con 10 tuổi, tôi phải dành thời gian đưa đón đi học ở trường, học ngoại ngữ ở trung tâm, học thêm, học năng khiếu... Chi phí, thời gian lo cho một đứa con quá nhiều nên chúng tôi không dám sinh thêm là vậy" - chị Linh giãi bày.
Giải tỏa nỗi lo cho lao động nữ
Để giữ lực lượng LĐN làm việc lâu dài, nhiều DN đã chủ động đưa ra các chính sách đãi ngộ riêng.
Điển hình tại Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Long Hải (quận Phú Nhuận, TP HCM), LĐN được tăng thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng (theo luật định) lên 9 tháng. Với 3 tháng nghỉ thêm, DN sẽ trả 75% tiền lương.
Tương tự, Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107 (quận 3, TP HCM) cũng cho LĐN nghỉ thai sản 9 tháng được hưởng nguyên lương; LĐN sinh đôi được nghỉ đến 12 tháng và hưởng nguyên lương, phụ cấp. Khi vợ sinh con, lao động nam được nghỉ 1 tháng, hưởng nguyên lương.
Ông Lâm Xuân Thi, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang và Xe đạp Martin 107, chia sẻ: "So với nam giới, LĐN chịu nhiều thiệt thòi vì phải sinh con, chăm sóc con và gia đình. Việc hoàn thiện chính sách ưu đãi cho họ sẽ giúp họ yên tâm chăm sóc con trước khi trở lại với công việc".
Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu Công nghệ cao TP HCM) cũng có nhiều chính sách ưu ái đối với LĐN mang thai, nuôi con nhỏ. Ngay khi thông báo mang thai, LĐN sẽ được tập huấn thai sản.
DN cũng có thêm các phúc lợi cho LĐN mang thai như: được miễn phí 3 bữa ăn/ngày, trong tuần có 2 bữa ăn đặc biệt để hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi; được sắp xếp chỗ ngồi làm việc và cung cấp đồng phục riêng để không ảnh hưởng đến thai nhi; có cửa đi lại riêng để tránh va chạm…
Nếu thai có vấn đề, LĐN được khuyến khích nghỉ dưỡng thai để bảo đảm sức khỏe. Trong thời gian này, họ được hưởng 50% lương và phụ cấp, được đóng bảo hiểm để hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Trở lại sau khi nghỉ thai sản, LĐN cũng được tư vấn các quyền lợi, các biện pháp phòng, tránh bị trầm cảm sau sinh, được hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc trẻ. Đặc biệt, DN có hệ thống cabin vắt sữa kín đáo, được trang bị đầy đủ tủ lạnh trữ sữa, khu nghỉ ngơi, ăn uống...
Tại KCN Đồng An (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), Công ty TNHH Procter and Gamble Việt Nam (Công ty P&G) là một trong những DN chăm lo tốt cho LĐN, mô hình phòng vắt trữ sữa tại đây được đánh giá rất bài bản, hiện đại đáp ứng nhu cầu trữ sữa cho LĐN đang nuôi con nhỏ.
Trong phòng có đầy đủ phương tiện như tủ lạnh, máy vắt sữa, ghế ngồi thư giãn, cân sức khỏe, khăn, bồn rửa tay, dụng cụ tiệt trùng... và được trang trí hoa văn với nhiều hình ảnh về em bé.
Ngoài ra, công ty cũng có những chính sách đặc thù cho LĐN như linh động thời gian làm việc, ví dụ con thường xuyên bị bệnh hay không có người phụ chăm sóc, có thể đăng ký làm việc nửa ngày hoặc 2-3 ngày/tuần, cũng có thể xin làm việc online, chỉ với yêu cầu phải bảo đảm tiến độ công việc...
Vấn đề chăm sóc và tìm nơi gửi trẻ luôn là nỗi lo của LĐN. Chia sẻ gánh nặng với họ, nhiều DN đã đầu tư xây dựng nơi trông trẻ, nhà trẻ cho con công nhân (CN) hoặc có các chương trình chăm lo, hỗ trợ.
Tại Công ty TNHH May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP HCM), DN bố trí nhà giữ trẻ miễn phí ngay trong khuôn viên.
Mỗi dịp hè, nhà giữ trẻ tại đây lại rộn ràng bởi khá đông con của CN ở độ tuổi mầm non hoặc cấp 1, cấp 2 nghỉ hè nhưng không có người trông nom đã theo cha mẹ đến nhà máy. Tại nhà giữ trẻ của công ty, các bé được chăm sóc tốt để cha mẹ tập trung cho công việc.
Tại tỉnh Đồng Nai, nhiều DN đã chi hàng triệu USD để xây dựng trường mầm non cho con CN. Tiêu biểu như Tập đoàn Phong Thái có đến 2 trường mẫu giáo.
Một trong số đó được Công ty TNHH Dona Standard (thuộc tập đoàn, đóng tại KCN Xuân Lộc) đầu tư 3 triệu USD để xây dựng. Trường có cơ sở vật chất hiện đại với hàng chục phòng học, phòng chức năng, khu vui chơi, khu vực ăn uống... trên diện tích 2,4 ha để chăm sóc cho hơn 1.000 con CN.
CN chỉ đóng 430.000 đồng/tháng để lo 3 bữa ăn/ngày cho con... Giờ giữ trẻ từ 6 giờ 30 phút đến 20 giờ, phù hợp với thời gian làm việc của CN.
Song song đó, nhiều DN đã có những chương trình chăm lo, hỗ trợ học phí cho con CN. Tại Công ty CP Thương mại và Cơ khí Tân Thanh (TP Thủ Đức), mới đây đã trao 118 suất Học bổng Nguyễn Đức Cảnh năm học 2023-2024 (từ 700.000 đồng đến 2,1 triệu đồng/suất) cho con CN.
Học bổng được Công đoàn công ty thành lập từ năm 2009 từ nguồn đóng góp của DN và người lao động. Ban đầu, mức đóng là 10.000 đồng/người/tháng, nay đã tăng lên 20.000 đồng/người/tháng. Về phía DN, ban giám đốc công ty vừa hỗ trợ thêm 100 triệu đồng vào nguồn quỹ của chương trình.
Chính sách linh động, gắn với thực tiễn
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã xây dựng mô hình "Xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con" nhằm phấn đấu đạt mức sinh thay thế.
Để nâng cao chất lượng dân số, chi cục cũng củng cố và phát huy hiệu quả dự án tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh; phối hợp Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ và y tế cơ sở sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho thai phụ, trẻ sơ sinh, phát hiện nhiều trường hợp bất thường.
UBND TP Cần Thơ cũng ban hành kế hoạch "Điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 trên địa bàn" với mục tiêu đưa mức sinh chung của thành phố đạt mức sinh thay thế.
Trong đó, tập trung tuyên truyền vào lợi ích của việc sinh đủ 2 con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế... đến việc sinh ít con.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-7
Bình luận (0)