Lý do chị đưa ra là không thấy hứng thú trong công việc vì không thích nghi được với văn hóa doanh nghiệp (DN), bất đồng với đồng nghiệp, không có định hướng cụ thể…
Phương Anh là một trong rất nhiều lao động gen Z (sinh từ năm 1997 - 2022) gặp phải tình trạng như vậy. Bà Tô Thị Thu Thủy, Giám đốc Nhân sự Oppo Việt Nam (quận 7, TP HCM), cho rằng lao động gen Z đang tăng mạnh ở nhiều DN. Ưu điểm của họ là sinh ra trong thời đại công nghệ, từ đó lượng kiến thức, thông tin vững vàng.
Nhiều người gen Z giỏi sáng tạo và thích nghi, học cái mới rất nhanh, biết cách tìm kiếm kiến thức và sàng lọc thông tin. Song, nhược điểm của họ là tự tin thái quá nên khó nhận ra những điểm yếu của bản thân để cải thiện. "Với lao động trẻ, DN chỉ cần nhắn tin, gửi email là xem như đã truyền tải đủ thông tin. Còn với lao động lứa tuổi khác thì phải trao đổi trực tiếp và phối hợp, bàn bạc nhiều" - bà Thủy so sánh.
Theo bà Phạm Thị Quý Hiền, Giám đốc Nhân sự Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (quận 1), nhiều lao động trẻ thường thiếu kiên nhẫn, khó chờ đợi cơ hội chín muồi để phát triển nghề nghiệp. Tham vọng phát triển bản thân là tốt nhưng sau một dự án thành công, họ lại đòi hỏi cơ hội thăng tiến, tăng lương.
Ông Hoàng Thanh Hải, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Sơn Jotun Việt Nam (tỉnh Bình Dương), cho biết tại công ty ông, lao động gen Z chiếm nhiều nhất. Ông đánh giá người gen Z nhanh nhẹn, học hỏi nhanh, làm việc nhanh, nhạy bén với công nghệ. Song, họ luôn đặt vấn đề trực diện với lãnh đạo DN về phúc lợi, lương thưởng, cơ hội thăng tiến…
"Việc "rượt đuổi" các giá trị về lương thưởng khiến họ dễ nhảy việc. Hệ lụy là họ sẽ gặp rủi ro sau này khi không có nhiều kinh nghiệm, kiến thức lẫn trải nghiệm, chức danh cụ thể" - ông Hải nhận xét.
Bà Trần Liên Phương, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn chiến lược Amco Việt Nam (quận 1), cho rằng nhân sự gen Z thường xem trọng công việc lương cao, bảo đảm tính tự do, linh động. Hơn 90% lao động gen Z muốn được đào tạo kỹ năng mới, gồm kỹ năng giao tiếp, xử lý vấn đề, ngoại ngữ, quản lý, dẫn dắt và làm việc nhóm.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, lao động gen Z mang đến cho DN sự khởi sắc, năng lượng tích cực. Họ đặt rất nhiều kỳ vọng vào người sếp giỏi, sẵn sàng nhận lãnh mọi trách nhiệm nhưng dám trao và phân quyền cho nhân viên; quyết đoán nhưng không áp chế trong công việc. Do vậy, lãnh đạo DN cần lắng nghe, đồng cảm, thấu hiểu và giúp đỡ lao động trẻ để khai thác thế mạnh của họ.
Bình luận (0)