Xây dựng văn hóa làm việc tích cực, khuyến khích hợp tác thay vì cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp sẽ giúp người lao động giảm bớt áp lực và tăng cường sự gắn kết
Với tư duy sáng tạo, khả năng phân tích sắc bén và tầm nhìn đổi mới, thế hệ nhân viên trẻ góp phần mang lại những giá trị vượt trội cho doanh nghiệp (DN). Song, họ thường đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn, đôi khi rơi vào trạng thái bế tắc, từ đó làm trì hoãn công việc và cản trở tiềm năng phát triển của mình lẫn DN.
Nghi ngờ, thiếu tự tin
Chị Nguyễn Quỳnh Mai - ngụ quận 1; trưởng nhóm thiết kế tại một công ty xây dựng ở quận 3, TP HCM - luôn đặt ra những mục tiêu tham vọng cho các dự án của mình. Chị không chỉ muốn các công trình đạt chất lượng mà còn phải vượt qua yêu cầu khắt khe từ khách hàng.
Song, sự kỳ vọng quá cao đã trở thành gánh nặng tâm lý, khiến Mai luôn lo lắng và căng thẳng. Chị thường xuyên so sánh bản thân với đồng nghiệp và "đối thủ" trên mạng xã hội. Điều này càng làm gia tăng cảm giác thiếu tự tin, dù chị có năng lực và sự sáng tạo vượt trội.
"Cảm giác thiếu tự tin và áp lực thành công khiến tôi trở nên căng thẳng trong công việc. Từ đó, tôi mất dần sự hứng thú ban đầu và giảm niềm đam mê với ngành xây dựng mà mình từng yêu thích" - chị Mai bày tỏ.
Anh Trương Trọng Nghĩa - ngụ quận Bình Tân; kỹ sư phần mềm tại một DN khởi nghiệp về công nghệ ở quận 7, TP HCM - cũng luôn đối mặt áp lực khi công nghệ thay đổi không ngừng. Do phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng khiến anh cảm thấy kiệt sức, thiếu động lực và căng thẳng khi được giao dự án mới.
"Điều khiến tôi cảm thấy nặng nề nhất là không được DN công nhận những nỗ lực mà mình bỏ ra. Cảm giác tự ti và nghi ngờ khả năng bản thân khiến tôi do dự mỗi khi đưa ra quyết định, dẫn đến trì hoãn và giảm hiệu quả công việc" - Nghĩa bộc bạch.
Trong khi đó, anh Đinh Hoàng Long - ngụ quận 3, TP HCM; nhân viên hỗ trợ khách hàng tại một công ty tài chính - không thoát khỏi "hội chứng" suy nghĩ quá nhiều. Long luôn lo lắng mọi thứ, từ hành động của đồng nghiệp đến kết quả công việc của mình. Dù nhận thức được rằng mình đang tự tạo ra những suy nghĩ tiêu cực nhưng anh vẫn không thể kiểm soát sự căng thẳng, bất an.
Long cho biết mỗi ngày đi làm với anh là một sự thử thách. Anh cảm thấy mình thiếu năng lực, dù hiểu rằng nếu không thay đổi tư duy và kiểm soát cảm xúc, bản thân sẽ mắc kẹt trong vòng xoáy tiêu cực, ảnh hưởng đến việc phát triển nghề nghiệp và cuộc sống.
Áp lực tâm lý lớn
Ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng Thu hút nhân tài - Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân, cho rằng với tư duy sắc bén và tinh thần cầu toàn, thế hệ nhân viên mới thường đối mặt áp lực tâm lý lớn.
Nguyên nhân chính là họ tự đặt ra kỳ vọng quá cao, luôn muốn đạt được sự hoàn hảo. Điều này dẫn đến việc họ dễ bị lạc hướng vào những chi tiết nhỏ nhặt. Tâm lý này khiến họ chần chừ khi ra quyết định và gặp khó khăn trong việc duy trì tiến độ công việc. Bên cạnh đó, sự bùng nổ thông tin từ mạng xã hội khiến nhiều người rơi vào cảm giác hoang mang và thiếu tự tin khi phải đưa ra quyết định quan trọng.
Theo ông Đức, áp lực từ môi trường làm việc thiếu định hướng rõ ràng, thiếu sự ghi nhận kịp thời của DN cũng khiến nhân viên cảm thấy không được coi trọng và mất phương hướng. Khối lượng công việc lớn, yêu cầu đa nhiệm cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ càng làm họ gia tăng căng thẳng và giảm hiệu quả công việc.
"Nỗi sợ sai lầm và thiếu kinh nghiệm khiến họ luôn lo lắng về hậu quả của mỗi quyết định, dẫn đến việc họ phân tích quá mức và trì hoãn hành động. Sự cạnh tranh khốc liệt vị trí việc làm và các chỉ số đo lường nghiêm ngặt tạo thêm gánh nặng tinh thần, làm họ suy giảm sự tự tin và hiệu quả công việc" - ông Đức phân tích.
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Chuyên trang tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt, nhấn mạnh DN cần áp dụng các phương pháp linh hoạt, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của những nhân viên này. DN cần tạo ra môi trường làm việc cởi mở và linh hoạt - nơi nhân viên có thể ra quyết định nhanh chóng, học hỏi từ sai lầm của mình mà không lo sợ bị chỉ trích. Lãnh đạo DN cũng cần định hướng rõ ràng, phản hồi kịp thời để giúp nhân viên cảm thấy mình được ghi nhận và tự tin hơn trong công việc.
Ngoài ra, DN cần tạo không gian sáng tạo, khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng mới và thử thách bản thân qua dự án; thiết lập các chính sách giúp họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tránh tình trạng quá tải. "DN xây dựng văn hóa làm việc tích cực, khuyến khích hợp tác thay vì cạnh tranh gay gắt sẽ giúp nhân viên giảm căng thẳng và tăng cường sự gắn kết" - bà Ngọc nhấn mạnh.
Theo khảo sát của Deloitte - một trong "Big Four" của ngành kế toán và dịch vụ thế giới - 28% lao động trẻ cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo DN, tổ chức để duy trì công việc hợp lý và giữ gìn sức khỏe tinh thần. Điều này cho thấy nhiều nhân viên trẻ đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bên cạnh đó, 28% lao động trẻ cho rằng công việc gây căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần họ.
Bình luận (0)