Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp quan trọng liên quan công tác cán bộ, hình thức làm việc và chế độ cho đội ngũ công chức, viên chức sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính. Dù mới là kiến nghị song theo nhiều chuyên gia, đây là những nền tảng quan trọng cho việc xây dựng một nền công vụ hiện đại, tinh gọn, hiệu quả - đúng với kỳ vọng mà Chính phủ đặt ra trong tiến trình cải cách hành chính toàn diện.
Nâng cao tính cạnh tranh
Một trong những đề xuất đáng chú ý là việc áp dụng KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) để đánh giá cán bộ, công chức, thay thế các phương pháp truyền thống vốn nặng tính hình thức và cảm tính. Cùng với đó, đề xuất triển khai hình thức hợp đồng làm việc có thời hạn, đánh giá định kỳ dựa theo kết quả công việc.
ThS Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, nhận định nếu triển khai nghiêm túc, đây sẽ là bước ngoặt trong việc chuyển đổi mô hình công vụ, từ "biên chế suốt đời" sang "phục vụ theo năng lực", góp phần nâng cao tính cạnh tranh, trách nhiệm và hiệu quả trong khu vực công.
Theo ông Tuấn Anh, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo hướng bỏ cấp huyện, tinh gọn bộ máy chính quyền là một bước đi mang tính cách mạng. Đây không chỉ đơn thuần là cải cách hành chính mà còn là sự tái thiết toàn diện mô hình quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, linh hoạt và gần dân hơn.

Người dân kỳ vọng được hưởng những dịch vụ công chuyên nghiệp hơn trong thời gian tới. (Ảnh minh họa AI)
Trong bối cảnh chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển và các mô hình dịch vụ công trực tuyến đang thay đổi toàn diện cách thức tổ chức nhà nước trên thế giới, Việt Nam càng cần những bước đột phá để không bị tụt hậu. ThS Tuấn Anh nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy sẽ khó thể thành công nếu chỉ dừng lại ở chuyện sáp nhập địa giới hành chính hay giảm số lượng đơn vị. Điều cốt lõi là phải tái thiết toàn bộ nền công vụ - từ tư duy tuyển dụng đến sử dụng, đánh giá cán bộ, công chức.
Ông Tuấn Anh rất đồng tình với các đề xuất đột phá của Bộ Nội vụ trong việc phân loại lại vị trí việc làm, xóa bỏ "biên chế suốt đời", chuyển sang ký hợp đồng có thời hạn dựa theo hiệu quả công việc. Việc cải cách tiền lương theo vị trí việc làm, gắn với kết quả công việc cũng là một bước tiến lớn.
"Đây là tư duy hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp bộ máy nhà nước vận hành theo hướng chú trọng năng suất, sự linh hoạt và có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, việc cải cách thể chế chỉ có thể thành công khi đi cùng với cải cách con người" - ThS Tuấn Anh nhìn nhận.
Nhiều chuyên gia lao động, việc làm cũng kỳ vọng vào một chiến lược đặc biệt để đào tạo, lựa chọn và bảo vệ đội ngũ cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thực thi, đồng hành và kiến tạo
Trong bối cảnh nhiều đơn vị hành chính đang được sáp nhập, vấn đề đặt ra là làm sao để bộ máy vừa tinh gọn vừa hiệu quả. Nhiều chuyên gia cho rằng cần áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, kể cả hình thức làm việc từ xa, nhất là trong các lĩnh vực có thể số hóa.
Bà Đinh Kim Nhung, từng đảm nhận vị trí giám đốc nguồn nhân lực tại nhiều tập đoàn lớn, cho rằng sau sáp nhập, cần cải cách cả phương thức vận hành lẫn bộ máy và con người. Việc đầu tư xây dựng chính quyền điện tử, dữ liệu số, hệ thống quản trị thông minh, cùng với cơ chế làm việc theo nhiệm vụ, theo dự án là hướng đi tất yếu.
"Một bộ máy tinh gọn, hiệu quả không thể chỉ đạt được việc cắt giảm đầu mối hay biên chế. Việc cải cách phải bắt đầu từ tư duy, thể chế và con người, trong đó công tác cán bộ là then chốt" - bà Nhung nhận định.
Theo ThS Nguyễn Thị Hồng Thủy, Trưởng Bộ môn Xã hội học - Trường ĐH Văn Hiến, bên cạnh việc tái cấu trúc tổ chức bộ máy, điều quan trọng không kém là xây dựng nền văn hóa công vụ theo hướng liêm chính, chuyên nghiệp và tận tụy phục vụ người dân. Bà Thủy cho rằng người làm ở khu vực công tại nước ta lâu nay thường ổn định, theo thâm niên và "an toàn trong vùng an toàn". Vì vậy, sự thay đổi là cơ hội để sàng lọc và chọn ra một lớp cán bộ, công chức mới, trẻ hơn, năng động hơn và sẵn sàng thích nghi.
"Chúng ta cần nhìn nhận rằng văn hóa công vụ không phải là điều có thể áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính mà phải được hình thành từ môi trường làm việc minh bạch, công bằng và có động lực phát triển thực sự" - bà Hồng Thủy nhận định.
Ngoài ra, cần xây dựng lại hệ thống giá trị trong khu vực công, trong đó đề cao tính công tâm, trách nhiệm giải trình và cam kết phục vụ người dân. Nền văn hóa công vụ mới phải đặt lợi ích của người dân ở trung tâm, xem mỗi phản hồi từ xã hội là cơ hội để hoàn thiện bộ máy.
Trưởng Bộ môn Xã hội học - Trường ĐH Văn Hiến cho rằng cải cách hành chính thành công không chỉ thể hiện ở việc rút gọn đầu mối thủ tục, tinh giản biên chế hay áp dụng công nghệ, mà quan trọng hơn là thay đổi được thói quen ứng xử, thái độ phục vụ và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Muốn vậy, phải xây dựng lại hình ảnh cán bộ, công chức trong mắt xã hội - không chỉ là những người thực thi mà còn là những người đồng hành và kiến tạo sự tiến bộ, đổi mới.
Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi cơ chế đánh giá, chế độ làm việc hay khuyến khích việc tinh gọn đều có thể gặp phải phản ứng từ bên trong hệ thống, thậm chí là sự trì hoãn có chủ ý" - bà Nguyễn Thị Hồng Thủy đánh giá.
Bình luận (0)