Sau giờ làm, anh Trần Quang Lợi (SN 1982), nhân viên kiểm soát xuất nhập khẩu Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam (quận 1, TP HCM), đến trung tâm ngoại ngữ để học Anh văn giao tiếp. Sau 15 năm đi làm, anh Lợi chưa bao giờ ngừng nghỉ theo đuổi việc học. Hiện rất nhiều người lao động (NLĐ) tự nâng cấp bản thân để thích nghi với công việc trong thời hội nhập.
Nâng cao kiến thức
Tốt nghiệp ngành cơ khí Trường CĐ Công nghiệp 4 (nay là Trường ĐH Công nghiệp TP HCM), anh Lợi đã đi làm vài nơi. Năm 2009, anh là nhân viên bảo trì của Công ty TNHH Sanofi Aventis, sau đó chuyển sang bộ phận xuất nhập khẩu.
Để đáp ứng yêu cầu công việc, anh Lợi thi vào Trường ĐH Luật TP HCM, tham gia khóa học luật sư và đang trau dồi Anh văn giao tiếp. "Làm việc ở tập đoàn đa quốc gia, ngoại ngữ là yếu tố then chốt. Từ Anh văn giao tiếp cơ bản, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi Anh văn chuyên ngành để làm tốt công việc hiện tại" - anh Lợi cho hay. Tại công ty của anh, rất nhiều NLĐ đang theo học các khóa ngắn, dài như ngoại ngữ, kế toán, kỹ năng giao tiếp, dược và đại học, cao học… phù hợp với chuyên môn đang làm.
Tương tự, chị Vũ Thị Như Quỳnh (SN 2001), đang là nhân viên thiết kế Công ty TNHH MiTek (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) cũng đang theo học chương trình cao học tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Tốt nghiệp ngành kỹ thuật cơ khí Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố, năm 2023, Quỳnh làm việc tại công ty và quyết định học nâng cao chuyên ngành đang làm.
Quỳnh cho biết công ty luôn tạo điều kiện về thời gian để NLĐ có thể linh hoạt giữa việc đi học và đi làm. "Học nâng cao sẽ giúp tôi phát triển thêm tư duy và nhạy bén trong công việc. Qua đó, dễ dàng sử dụng đa dạng phần mềm liên quan đến lĩnh vực thiết kế" - Quỳnh cho hay. Vì là một doanh nghiệp (DN) đa quốc gia, có nhiều khách hàng trên thế giới, công ty có chính sách dạy tiếng Anh cho nhân viên, Quỳnh cũng theo học chương trình này. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, cô sẽ tiếp tục theo học một số chứng chỉ tiếng Anh và lớp quản lý nhân sự.
Tránh bị đào thải
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, DN luôn cần nhân lực hài hòa ở 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ (đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm…).
"Hiện các DN rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao nhưng nhiều nhân lực trẻ chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, nhất là kỹ năng. Thực trạng thị trường lao động đang tồn tại nghịch lý rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển" - ông Tuấn đánh giá.
Ngoài những yêu cầu về trình độ chuyên môn, bằng cấp, xu hướng thị trường lao động đang chú trọng lao động có kinh nghiệm làm việc. Nhà tuyển dụng hướng tới nhân lực có trình độ cao, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và một số kỹ năng khác.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, chuyên gia lao động, cho rằng công việc liên tục thay đổi, nếu NLĐ không trau dồi, cập nhật những kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp mới thì sẽ khó được tuyển dụng, phát triển trong tổ chức và dần sớm bị đào thải khỏi thị trường. Theo ông Sơn, có nhiều hình thức để NLĐ trau dồi như đào tạo tại chỗ, tham gia các khóa học, hội thảo chuyên môn trực tuyến, trực tiếp, đào tạo vừa học vừa làm…
Về phía DN, cần chú trọng phát triển chất lượng nhân lực trong tổ chức thông qua các chương trình đào tạo nội bộ. Việc này không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài từ trong chính tổ chức, nâng cao năng suất lao động mà còn góp phần giúp NLĐ có cơ hội việc làm tốt hơn.
"Hợp tác với các trường học, cơ sở đào tạo, tổ chức nghề nghiệp để tổ chức các buổi hội thảo cập nhật về ngành nghề, huấn luyện kỹ năng, cho sinh viên thực tập, kiến tập tại DN. Điều này không chỉ đóng góp vào giá trị cộng đồng, nâng cao chất lượng lao động, mà còn giúp DN tiếp cận được nhóm lao động trẻ tiềm năng và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng" - ông Sơn nhấn mạnh.
Cần nhiều kỹ năng
Theo bà Thủy Võ, Giám đốc Dịch vụ tuyển dụng miền Nam Công ty TNHH Manpower Việt Nam, để đạt được mức lương cao và vị trí việc làm tốt, NLĐ phải có kỹ năng giao tiếp xuất sắc, chỉ số cảm xúc cao, thành thạo trong việc thu hút các bên liên quan hợp tác hiệu quả. Bên cạnh đó, NLĐ cần có kỹ năng lãnh đạo, thúc đẩy các nhóm đạt được mục tiêu xây dựng và phát triển các tổ chức; có tư duy chiến lược thông minh, chứng minh kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chiến lược tăng trưởng qua các tổ chức. Ngoài ra, NLĐ cũng cần có các yếu tố như: kỹ năng phân tích, tổng hợp xử lý thông tin, tư duy độc lập tốt, kỹ năng giải quyết vấn đề...
Bình luận (0)