Chiều 9-6, UBND TP HCM làm việc với các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.
Tác động không quá lớn
Theo số liệu của Sở Công Thương TP HCM, 5 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 839,4 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Trung Quốc hiện là thị trường lớn trong nhiều lĩnh vực xuất khẩu của TP HCM như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gạo, rau quả… Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu của TP HCM từ Trung Quốc là 2,35 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, nếu quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi, những mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc không phụ thuộc nguyên liệu đầu vào của Trung Quốc như gạo, rau quả, cao su, thủy sản… trong ngắn hạn, xuất khẩu sẽ giảm khoảng 20%, tương đương 150 triệu USD. Những mặt hàng phụ thuộc nguyên liệu đầu vào như dệt may, da giày nếu nhập khẩu qua thị trường trung gian sẽ tăng chi phí 10%, kim ngạch xuất khẩu giảm 10% của từng mặt hàng. Trong trường hợp xấu, kim ngạch xuất khẩu TP HCM năm 2014 giảm 310 triệu USD, chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm 1,3 điểm phần trăm, nghĩa là chỉ tăng 8,7% so với năm 2013.
Cụ thể trong ngành rau quả, mặc dù DN đã chuẩn bị phương án thay thế là tăng xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Singapore, Campuchia nhưng dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm 7% - 10%. Ở chiều nhập khẩu, DN có thể nhập khẩu nguyên liệu dệt may qua các thị trường trung gian như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng chi phí sẽ tăng 10% - 15%. Ngành da giày cũng dự báo sẽ tăng chi phí lên 7% - 10%. Thuốc trừ sâu và nguyên liệu sẽ chịu tác động rất lớn do mặt hàng này chủ yếu nhập từ Trung Quốc, nếu chuyển sang nhập từ Malaysia, Ấn Độ thì giá nhập khẩu sẽ tăng 15% - 20%.
Ở góc độ hiệp hội ngành nghề, bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết tại TP HCM, các DN xuất khẩu gạo đều có nhiều thị trường chứ không lệ thuộc vào Trung Quốc. Vì vậy, nếu có chuyện gì xảy ra, DN sẽ chuyển dịch thị trường nhưng kim ngạch chung sẽ giảm khoảng 20% - 30%. “Lĩnh vực rau củ quả sẽ chịu nhiều tổn thất. Trước nay, thanh long xuất nhiều nhất qua Trung Quốc. Vừa rồi, DN ngừng xuất qua Trung Quốc, điều tiết thị trường và tìm thị trường mới. Ngay lập tức, giá thanh long tại vườn rớt 50%. Tội nhất là nông dân” - bà Lý Kim Chi dẫn chứng.
Đa dạng hóa, mở rộng thị trường
Đánh giá về thực trạng xuất nhập khẩu với Trung Quốc, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng những nguy cơ, khó khăn hiện tại cũng là cơ hội để DN chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực, tận dụng những ưu đãi về thuế theo các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang tham gia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Để khai thác cơ hội trong thách thức, các DN cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh, chủ động đa phương hóa bạn hàng; tăng cường hợp tác với đối tác ở các nước mà Việt Nam có tham gia ký kết hiệp định thương mại. Nhà nước cần tăng cường hoạt động xúc tiến: xây dựng các chương trình xúc tiến cụ thể theo từng ngành hàng và thị trường, trong đó ưu tiên các thị trường có tham gia các hiệp định thương mại tự do; kết nối DN sản xuất với DN cung ứng nguyên phụ liệu trong nước.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su Việt Nam, cho biết thực trạng ngành nhựa rất bi quan: 80% DN nhỏ và vừa phụ thuộc 90% vào máy móc, nguyên phụ liệu và vật tư Trung Quốc. Sẵn cơ hội này, Ngân hàng Nhà nước nên vào cuộc cho DN vay vốn lãi suất tốt để mua máy móc của Đài Loan, châu Âu. Đây cũng là dịp cho DN phụ trợ tại Việt Nam phát triển với điều kiện được sự hỗ trợ của nhà nước trong các chính sách thuế, lãi suất…
Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân bày tỏ vui mừng vì các DN trên địa bàn đã năng động, dự báo tình hình và chủ động khai thác thị trường mới. Ông Lê Hoàng Quân thừa nhận các cơ quan quản lý nhà nước còn chậm trễ trong hỗ trợ DN. Sau cuộc họp này, UBND TP yêu cầu Sở Công Thương chủ trì làm việc với các hiệp hội để nắm bắt nhu cầu nguyên phụ liệu của từng ngành nghề, trên cơ sở đó kết nối với nhà cung cấp các nước, đặc biệt là khu vực ASEAN. Sở Công Thương chủ trì phối hợp với hải quan, thuế, các sở ngành để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ DN nhập khẩu nguyên phụ liệu để chủ động sản xuất và tăng sức cạnh tranh.
Thời cơ của ngành gỗ, mỹ nghệ
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết do không phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc nên các DN mỹ nghệ và chế biến gỗ đang có được thời cơ vô cùng thuận lợi. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu dồi dào, DN phải giảm làm hàng nội địa để ưu tiên xuất khẩu. Nguồn cung trong nước ở lĩnh vực này chiếm 50%, gỗ nhập khẩu từ các nước Mỹ, châu Âu, New Zealand, Úc khoảng 50%. Nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ khoảng 300 triệu USD/năm cho số ít các phụ kiện như rây trượt, tay nắm cửa, ổ khóa… nên hoàn toàn không lo
Bình luận (0)