Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 tổ chức ở Hà Nội ngày 4-7, nhiều giải pháp liên kết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) với DN Việt nhằm tăng cường sức mạnh của nền kinh tế đã được bàn thảo sôi nổi.
Thiếu liên kết, khó tham gia chuỗi cung ứng
2018 là tròn 30 năm thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cộng đồng DN Việt Nam bao gồm DN nội địa và nước ngoài ngày càng trưởng thành, gia tăng về số lượng, mạnh lên về tiềm lực và là động lực quan trọng góp phần đưa nền kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao. GDP năm 2017 đạt 220 tỉ USD, tăng gấp 8 lần so với năm 1997, phấn đấu đến năm 2020 GDP đạt khoảng 300 tỉ USD.
Các đại biểu trao đổi bên ngoài diễn đàn
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của các DN FDI. Khu vực FDI đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN, phát triển kỹ năng lao động cũng như tạo công ăn việc làm trong nhiều lĩnh vực... Tuy nhiên, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp. Bộ trưởng Dũng cho rằng các DN nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho DN trong nước từng bước tham gia vào chuỗi giá trị; DN trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Về nguyên nhân các DN trong nước và FDI chưa kết nối, ông Kim Heung-soo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), cho rằng đại đa số các DN địa phương ở Việt Nam chưa sản xuất được sản phẩm phụ trợ đáp ứng các yêu cầu của DN FDI. Do đó, Chính phủ Việt Nam và các DN FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này. Ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), nhận định tăng cường liên kết giữa DN FDI và DN nội địa là yêu cầu quan trọng để Việt Nam vươn lên nắm giữ những vị trí hàng đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề là làm thế nào để DN Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và DN FDI có nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn lực như con người, sản phẩm, vốn.
Cần hành động cụ thể, thực chất
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng các bộ ngành, địa phương chưa vào cuộc đồng bộ, thực chất. Ví dụ sau 4 năm đưa vào thực hiện, cơ chế một cửa quốc gia mới triển khai được 47/245 thủ tục nhưng trong số 47 thủ tục đó không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho DN. Về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, chưa đến 6% số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành; thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn ở mức 76 giờ/thủ tục, cao gấp 3 lần so với các nước ASEAN-4.
"Về cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh, chỉ duy nhất Bộ Công Thương soạn thảo và trình Chính phủ nghị định theo yêu cầu. Bốn bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến DN, còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì DN không được biết, cũng không được tham gia ý kiến" - ông Lộc cho biết thêm.
Chủ tịch JCCI Koji Ito cho rằng một trong những trách nhiệm của Chính phủ là tạo điều kiện cho DN có môi trường hoạt động thông thoáng tối đa nhưng vẫn bảo đảm kỷ cương chặt chẽ. JCCI kiến nghị 3 nội dung: cải cách thủ tục hành chính, nợ công, vấn đề môi trường.
Về thủ tục hành chính, cần thành lập ủy ban mới có đầy đủ quyền hạn tiếp nhận, xử lý mọi vấn đề phát sinh, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có quy định thống nhất về việc sử dụng các văn bản hướng dẫn thực thi luật. Bên cạnh đó, cần thí điểm dự án đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, cụ thể là chọn Tổng cục Hải quan để tổ chức thí điểm, phối hợp với Hiệp hội DN các nước thực hiện các hoạt động đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa và tiến độ xử lý thủ tục hải quan.
20 năm, 26.000 dự án đầu tư nước ngoài
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với khoảng 26.000 dự án, tổng số vốn đăng ký trên 326 tỉ USD, tổng vốn thực hiện đạt trên 180 tỉ USD. Khu vực FDI đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP. 58% vốn FDI đang tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.
Bình luận (0)