Nhiều doanh nhân đang điều hành doanh nghiệp (DN) bằng chính tri thức, kinh nghiệm, tinh thần dấn thân và khát vọng vươn lên, lấy nỗ lực tự thân làm động lực phát triển, lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo thành công... Họ đang miệt mài, bền bỉ làm giàu, đóng góp tích cực cho cộng đồng và truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nhân kế thừa.
Các doanh nhân diễn giải sứ mệnh của mình đối với sự phát triển TP và cả nước rất đơn giản, thiết thực: làm thật tốt việc kinh doanh của mình, đóng góp thật nhiều và tạo ra giá trị cộng thêm cho cộng đồng, xã hội. Cụ thể, đối với các DN sản xuất là có mặt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, liên tục cải tiến nâng cao trình độ, năng lực sản xuất để khẳng định giá trị hàng Việt trên thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm (bìa trái) trao chứng nhận “Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP HCM” năm 2019 cho đại diện doanh nghiệp vào tối 12-10 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo các DN, cạnh tranh thời hiện đại có quá nhiều thứ bủa vây DN sản xuất: công nghệ cải tiến từng ngày, nhu cầu tiêu dùng thay đổi từng giờ, sản xuất vất vả và phải dịch chuyển ra xa thành phố... Vì vậy, khối DN sản xuất rất cần được quan tâm nhiều hơn.
Sự quan tâm này, theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, là chủ trương chính sách và sự quyết liệt trong thực thi chính sách của nhà nước. "Đơn cử như Chính phủ kêu gọi giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường thì cần có chính sách hỗ trợ các DN sản xuất túi nhựa thân thiện môi trường, kiểm soát chặt những sản phẩm nhựa độc hại" - ông Việt Anh nêu ví dụ.
Hiện cả nước có hơn 1.500 DN sản xuất bao bì nhựa nhưng chỉ có hơn 10 DN trong số đó sản xuất bao bì tự hủy, trong đó có Nam Thái Sơn. Mặc dù sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều nước nhưng ở thị trường nội địa từ năm 2012 đến nay, công ty chỉ bán được cho các siêu thị chứ chưa thể bán đại trà. "Chúng tôi nhiều lần đi chào hàng, giới thiệu sản phẩm nhưng đều thất bại. Túi ni-lông tự hủy bán hơn 40.000 đồng/kg, túi ni-lông thường chỉ hơn 20.000 đồng/kg thì khách hàng đương nhiên nói không với túi tự hủy" - ông Việt Anh kết luận.
Cũng theo ông Việt Anh, một số DN ngành cao su - nhựa còn tâm lý "lấy công làm lời", chấp nhận sản xuất những mặt hàng công nghệ lạc hậu theo đơn đặt hàng. DN kiếm được tiền, thậm chí bỏ tiền đầu tư công nghệ cũ để đáp ứng đơn hàng và đối diện rủi ro lớn bởi khoảng cách công nghệ so với thế giới ngày càng xa.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu, tự hào vì công ty khẳng định được thương hiệu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ trong nước bằng chính sự sáng tạo, hiểu nhu cầu của khách hàng và đáp ứng nhu cầu đó. "Chúng tôi cần sự hỗ trợ của nhà nước trong tuyên truyền, tạo cơ chế cho DN hoạt động. Còn lại, mọi hoạt động kinh doanh đều dựa trên năng lực mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ mối quan hệ nào" - ông Trần Anh Tuấn nói.
Ông cho rằng cần nhất là nhà nước tạo ra thị trường, khuyến khích DN phát triển bằng cách tạo đầu ra cho sản phẩm. Nhà nước đã hỗ trợ DN bằng cách tuyên truyền mạnh về chuyển đổi số, trách nhiệm của DN phải phát triển thị trường, làm cho khách hàng hiểu sản phẩm của DN mình giúp ích gì cho họ, vì sao phải sử dụng nó.
Vinh danh 108 doanh nghiệp tiêu biểu
Chiều tối 12-10, tại lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 - 13.10.2019) do Hiệp hội DN TP HCM - HUBA tổ chức, 108 DN với 147 sản phẩm, dịch vụ thuộc 11 nhóm ngành (cơ khí - điện; cao su - nhựa; điện tử - công nghệ - công nghệ thông tin; lương thực - thực phẩm - đồ uống; dệt may - da giày; thương mại - dịch vụ; bất động sản - xây dựng; dược - y tế - thực phẩm chức năng; trang sức - mỹ nghệ; chế biến gỗ; tư vấn - luật và nhóm ngành văn hóa - truyền thông - quảng cáo) đã được trao danh hiệu "Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP HCM" năm 2019. Ban tổ chức đồng thời chúc mừng 57 DN phát triển bền vững 30 năm trở lên.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, đây là lần thứ 2 HUBA tổ chức cuộc bình chọn danh hiệu "Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP HCM" (lần đầu năm 2017) nhằm mục đích phát hiện, quảng bá thương hiệu đối với các sản phẩm, dịch vụ của DN, phục vụ mục tiêu phát triển các thương hiệu lớn của TP, đồng thời tôn vinh các DN có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm đánh giá cao sự nỗ lực và chúc mừng các DN được vinh danh. Đây là thành quả mà các DN đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách mới đạt được. Phó Chủ tịch UBND TP mong các DN tiếp tục phát huy và là nguồn cảm hứng để các DN khác cùng phấn đấu noi theo, hướng đến mục tiêu xây dựng TP thành đô thị thông minh, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
T.Nhân
Ông NGUYỄN ĐẶNG HIẾN, Tổng Giám đốc Bidrico (TP HCM):
Để lại dấu ấn qua những sản phẩm tiêu biểu
Khi nhận được danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu năm 2019, tôi cảm thấy đây là vinh dự rất lớn lao trong cuộc đời doanh nhân vì qua đó mình cũng đã để lại dấu ấn trong việc tạo nên những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Đây là khởi điểm cho chúng tôi có cơ hội để làm những điều tốt đẹp hơn, lớn lao hơn cho cuộc đời doanh nhân, mang sản phẩm tốt hơn, đáp ứng thị hiếu người dùng hiện nay là sản phẩm sạch và có nguồn gốc thiên nhiên. Những mục tiêu dù nhỏ như vậy cũng góp phần phát triển kinh tế TP và cả nước.
Ngày nay, nghĩ đến vai trò doanh nhân là nghĩ đến vị thế của một công dân nhận lãnh trách nhiệm làm sao đưa kinh tế nước nhà ngày càng cao hơn. Ý thức điều đó, chúng tôi quyết tâm trong năm 2020 phải làm được những điều mà bản thân kỳ vọng, đưa Tân Quang Minh - Bidrico trở thành một trong những DN phát triển mang tính bền vững, tạo ra những sản phẩm định hướng dẫn dắt tiêu dùng của thị trường.
Ông LÝ THÀNH SINH, Giám đốc Công ty CP May thêu Minh Long Hưng (TP HCM):
Bảo vệ doanh nghiệp khỏi nạn hàng nhái, hàng giả
Dưới góc độ cá nhân, việc DN được bình chọn, tôn vinh có sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của TP HCM năm 2019 là sự ghi nhận và nguồn động viên rất lớn cho doanh nhân. Quan trọng hơn là động viên những DN đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm bằng uy tín, chất lượng.
Trong bối cảnh thị trường biến động khó lường và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ với hàng ngoại nhập mà còn là hàng nhái, hàng giả tràn lan, mong muốn nhất của DN là nhà nước cần có chính sách quyết liệt để xử lý tình trạng gian lận về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hàng nhái, hàng giả... cạnh tranh với những DN làm ăn chân chính. Phải rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của DN từ những sản phẩm đơn giản nhất, gần gũi nhất như quần áo trẻ em. Nếu không, các DN - nhất là những DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ - sẽ không thể tồn tại, cạnh tranh nổi. DN có phát triển mạnh thì mới đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế TP và cả nước.
Ông NGUYỄN VĂN TRÍ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (TP HCM):
Muốn được đối xử công bằng như FDI
Cơ khí chính xác là ngành đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và hiện nay Việt Nam có rất ít DN trong lĩnh vực này có thương hiệu đủ cạnh tranh với quốc tế. Nhưng một mình DN không làm nổi mà cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền. Thật ra, chúng tôi cũng không mong được hỗ trợ nhiều mà chỉ cần môi trường hoạt động kinh doanh thật sự bình đẳng, DN được đối xử công bằng như với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Công ty Lập Phúc từ nhiều năm nay đã kết hợp với khoảng 12 trường đại học, trường nghề ở TP HCM hỗ trợ sinh viên thực tập, đào tạo nghề bằng những máy móc, thiết bị hiện đại. Nếu từng trường sẽ rất khó đầu tư để mua máy móc hiện đại trong lĩnh vực cơ khí chính xác cho sinh viên thực tập nhưng DN có lợi thế hơn, vừa sản xuất kinh doanh vừa hỗ trợ đào tạo. Do đó, DN mong TP tạo thuận lợi hơn về thủ tục hành chính để DN có thể đóng góp nhiều hơn vào đào tạo nguồn nhân lực và phát triển kinh tế.
Thái Phương ghi
Bình luận (0)