Những đòi hỏi của người tiêu dùng thời đại mới buộc doanh nghiệp (DN) phải nhanh nhạy chuyển hướng, mục đích là vẫn giữ gìn thương hiệu và hướng tới sự phát triển bền vững.
Đa dạng hóa sản phẩm
So với thuở mới khai sinh bột Bích Chi ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cách đây hơn 50 năm, thương hiệu này ngày nay đã vươn vai lớn mạnh. Vẫn gìn giữ, phát huy dòng sản phẩm từng một thời giúp biết bao gia đình nghèo khó nuôi con khỏe mạnh nhưng Bích Chi nghiêng hẳn sang một lối đi khác hợp thời hơn.
Gọi là ngã rẽ khác bởi nhãn hiệu bột Bích Chi với hình ảnh mẹ bồng con năm xưa đã được thay bằng hình ảnh mới đa dạng hơn. Sản phẩm của công ty từ 2 mặt hàng chính là bột gạo lứt, bột 5 loại đậu ban đầu giờ đã mở rộng ra gần 200 mặt hàng, gồm 4 dòng chính: bột dinh dưỡng (nâng cấp từ nền tảng cũ, phát triển thêm một số loại mới như bột mè đen hạt sen, bột 5 loại đậu hạt sen…) và bột thực phẩm (bột làm bánh các loại); bánh tráng (làm bằng tinh bột khoai tây, gạo lứt); sản phẩm làm từ gạo (phở, hủ tiếu, bún gạo, bánh hỏi ăn liền) và bánh phồng tôm.
Những năm gần đây, Bích Chi đẩy mạnh khai thác thị trường nước ngoài, giá trị xuất khẩu mang về hơn 50% tổng doanh thu. Tại thị trường nội địa, thương hiệu Bích Chi xuất hiện đều đặn hơn trong những chương trình kết nối giao thương giữa các địa phương, hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và đặc biệt là có mặt ở tất cả kênh bán lẻ hiện đại ở TP HCM.
Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bích Chi, cho biết tại thị trường nội địa, dòng sản phẩm từ gạo của công ty đang bán chạy nhất. Mảng xuất khẩu thì bánh phồng tôm là mặt hàng chủ lực mang về doanh thu lớn trong 2-3 năm nay. Đến 80% sản lượng bánh phồng tôm của Bích Chi bán cho thị trường nước ngoài, còn lại tiêu thụ nội địa. Năm 2017, xuất khẩu bánh phồng tôm của Bích Chi đã vượt qua Sa Giang (nhãn hàng của Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang, vốn nổi tiếng về bánh phồng tôm).
Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nước mắm Liên Thành vẫn trụ vững trên thương trường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Ở tất cả nhóm sản phẩm Bích Chi tham gia, thị trường trong nước lẫn xuất khẩu hiện có những DN lớn đang hoạt động và cạnh tranh quyết liệt với nhau. Họ có thị trường của họ nhưng chúng tôi có đặc trưng, thế mạnh riêng. Mỗi DN có con đường riêng mà đích đến cuối cùng là lợi nhuận cho công ty, thu nhập ổn định cho cán bộ - công nhân viên và đóng góp cho xã hội" - ông Bình nói.
Con đường Bích Chi chọn là đầu tư sâu vào chất lượng, công nghệ và chinh phục người tiêu dùng bằng giá trị thật. Không ồn ào quảng cáo, không bỏ nhiều kinh phí làm thương hiệu, Bích Chi miệt mài nghiên cứu phát triển sản phẩm, tìm và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất chất lượng, giảm giá thành. Nhờ vậy, dù cạnh tranh khốc liệt, Bích Chi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 10%-15%/năm. Đến nay, vốn điều lệ của công ty này đã lên đến 170 tỉ đồng, doanh thu năm 2016 đạt 448 tỉ đồng, lợi nhuận 46 tỉ đồng và từng có kế hoạch mua lại cổ phần Công ty Sa Giang khi nhà nước cổ phần hóa DN này.
Làm ăn thuận lợi như vậy, Bích Chi có mong muốn trở lại vị trí dẫn đầu thị trường nội địa như vài chục năm trước? "Mục tiêu, mơ ước thì luôn có nhưng chúng tôi biết lượng sức mình. Bích Chi lâu đời thật, nổi tiếng thật nhưng chỉ trong những năm đất nước còn khó khăn. Bây giờ, đời sống người dân tốt hơn gấp nhiều lần, nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ em thay đổi hoàn toàn so với trước. Bột Bích Chi vẫn rất tốt nhưng không phải là nguồn dinh dưỡng chính được các gia đình lựa chọn. Còn ở các dòng sản phẩm khác, so với những DN lớn, đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài, Bích Chi vẫn còn rất nhỏ về vốn, quy mô sản xuất lẫn trình độ công nghệ" - ông Bình thẳng thắn nhìn nhận.
Hiện đại hóa nước mắm truyền thống
Sở hữu thương hiệu 110 năm tuổi, nước mắm Liên Thành với nhãn hiệu con voi đỏ vẫn được nhiều bà nội trợ nhắc đến, tin dùng mặc cho bao phen nước mắm truyền thống bị "đánh" lên bờ xuống ruộng. Trong bối cảnh nước mắm công nghiệp bành trướng, nước mắm truyền thống bị làm giả, nước mắm Liên Thành may mắn vẫn sở hữu lượng khách hàng trung thành.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Hoàng Mai, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước mắm Liên Thành, thừa nhận lượng khách hàng này ngày càng thu hẹp bởi nước mắm công nghiệp với công thức pha chế giảm mùi đặc trưng của nước mắm ngày càng phổ biến.
Vẫn nhà xưởng cũ, đội ngũ lãnh đạo cũ nhưng so với hơn 10 năm trước, Liên Thành đã có những thay đổi lớn. Ban giám đốc công ty đã chịu chi hơn cho đầu tư cơ sở vật chất, phần mềm quản lý, phương tiện kinh doanh… Hai năm qua, Liên Thành đầu tư hơn 10 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống chiết rót tự động có công suất 5 triệu đơn vị sản phẩm/năm, góp phần giảm chi phí sản xuất. Dù chưa tận dụng hết dây chuyền nhưng năng suất của công ty đã tăng lên, sản lượng cũng tăng khoảng 10%/năm. Có sản lượng cao thì phải lo đầu ra. "Chúng tôi không đối đầu trực tiếp với các DN lớn mà chọn đi vào thị trường ngách, thâm nhập, len lỏi vào các khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa lâu nay công ty chưa phủ tới" - bà Mai bộc bạch.
Theo bà Mai, 3 tháng nay, công ty đang chạy thử phần mềm quản lý và giám sát bán hàng, sắp tới sẽ sắp xếp lại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm để triển khai bán hàng online. "Đến hết năm nay, chúng tôi sẽ có 32 cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP HCM. Kế hoạch là không mở thêm cửa hàng mới mà có bước dừng để đánh giá lại hiệu quả của từng cửa hàng. Đã qua giai đoạn đầu tư để tăng nhận diện thương hiệu, bây giờ là lúc chúng tôi cần đánh giá lại hiệu quả kinh tế trước khi có những quyết sách mới" - bà Mai cho biết.
Phải biết được điểm yếu
Ông Phạm Thanh Bình nhận định không riêng Bích Chi mà phần lớn DN Việt Nam chưa khắc phục được nhược điểm ở khâu phân phối. Chẳng hạn, Bích Chi có thương hiệu lâu đời, sản phẩm chất lượng - đặc trưng, giá mềm nhưng khâu phân phối, bán hàng vẫn còn yếu. Hiểu rõ nhược điểm này nên nhiều năm qua, Bích Chi chọn giải pháp gia công hàng nhãn riêng cho các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Big C nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm, ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo, cũng thừa nhận khả năng marketing và chăm sóc khách hàng của Thorakao còn kém, cần đầu tư cải thiện trong thời gian tới từ khâu tiếp thị bán hàng đến tương tác với khách online. Tuy nhiên, ông Trân khẳng định vẫn chọn con đường "chậm mà chắc" để bảo đảm sự phát triển bền vững, chứ không "bùng nổ" dễ dẫn đến khủng hoảng như nhiều DN đã mắc phải.
P.AN - N.ÁNH
Cần khai thác sản phẩm bản địa
Về thị trường, thương hiệu đối với DN Việt, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường vẫn luôn mở cho những DN biết cách làm. Không có sản phẩm có hay không có thương hiệu mà quan trọng là thương hiệu đó dành cho đối tượng khách hàng nào.
TS Đào Xuân Khương - chuyên gia phân phối và bán lẻ, Chủ tịch Công ty KCP Việt Nam - phân tích dưới góc nhìn về thị trường thì không có sản phẩm tốt hay sản phẩm không tốt mà chỉ có sản phẩm tốt hoặc không tốt với ai. Ví dụ, không thể nói chiếc xe Mercedes 3 tỉ đồng tốt hơn hẳn chiếc Toyota Vios 500 triệu đồng hay chăn, drap, gối, nệm Hàn Quốc 3 triệu đồng/bộ tốt hơn chăn, drap, gối, nệm Việt Nam 1 triệu đồng/bộ. Vì vậy, việc quan trọng DN cần làm là xác định rõ khách hàng mục tiêu mình là ai; mang hàng hóa tới phục vụ và lắng nghe họ để thay đổi sản phẩm cho phù hợp. Các DN nước ngoài có lợi thế của họ, DN Việt có lợi thế của mình. "Như vậy, thương hiệu Việt Nam vẫn có khách hàng mục tiêu. Vấn đề là phải tìm cho ra nhóm khách hàng này để phục vụ và lắng nghe họ, từ đó có điều chỉnh hợp lý" - ông Khương gợi ý.
Chuyên gia bán lẻ và nhượng quyền thương mại Nguyễn Phi Vân cho rằng thế giới đang rất chuộng những sản phẩm mang tính bản địa. Sản phẩm Việt Nam có nhiều lợi thế về xu hướng này nhưng chưa khai thác được lợi thế, biến lợi thế thành cơ hội. Chẳng hạn, Thorakao có thể khai thác những sản phẩm chiết xuất từ bưởi, bồ kết gắn với thói quen tắm gội của các bà, các cô ngày trước. Sự thành bại trong môi trường kinh tế mở hiện nay phụ thuộc nhiều vào tư duy của người đứng đầu DN.
T.NHÂN
Bình luận (0)