Theo tìm hiểu, tại Trung Quốc, Hàn Quốc - những thị trường TMĐT lâu đời, hình thức bán hàng livestream mang lại những nguồn thu khổng lồ, sản sinh ra một thế hệ KOLs (người có sức ảnh hưởng) bán hàng chuyên nghiệp với tất cả các sản phẩm từ quần áo, đồ dùng gia đình giá rẻ cho đến những mặt hàng giá trị cao như ôtô.
Cứu tinh của bán lẻ trực tuyến
Sở dĩ hình thức này ngày càng thịnh hành bởi người dùng được cảm nhận sản phẩm một cách chân thật, không cách cách biệt, màu mè như các đoạn phim quảng cáo, tạo độ tin cậy cao và thao tác mua sắm đơn giản.
Tại Việt Nam, hình thức livestream bán hàng bùng nổ vào khoảng đầu năm 2019 và càng được ưa chuộng trong giai đoạn dịch Covid-19, khi mọi người ưu tiên mua sắm trực tuyến.
Nền tảng TMĐT Shopee ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của xu hướng này với 35 triệu lượt xem trên Shopee Live trong tháng 4 và tổng thời thượng livestream tăng 70% so với tháng 2. Riêng trong tuần lễ livestream "Siêu Hội Shopee Live" diễn ra từ ngày 12 đến 19-5, sàn này ghi nhận hơn 150.000 lượt xem chỉ sau 6 giờ phát sóng chương trình "Siêu Sao Đại Chiến" khi đông đảo người dùng vào hệ thống để theo dõi các ngôi sao như Ngọc Trinh, Minh Dự, Duy Khánh và Hoàng Trung thi đấu.
"Livestream đã thay đổi cách thức sàn TMĐT tiếp cận nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng bởi nó trở thành một phương tiện giải trí và tương tác quan trọng. Người dùng theo dõi livestream như một cách kết nối với người bán hàng, thu thập thông tin liên quan đến sản phẩm. Về phía thương hiệu và nhà bán hàng, họ coi kênh phát trực tiếp là công cụ chính giúp quảng cáo hiệu quả hơn" - ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, nhận xét.
Đại diện một sàn TMĐT cho hay livestream giúp người bán chốt đơn gấp 5-10 lần so với cách thức truyền thống. Vì vậy, nhiều sàn không ngừng đầu tư, phát triển tính năng này nhằm thu hút người dùng ở lại lâu hơn với nền tảng online và gia tăng mua sắm. "Livestream được ưa chuộng nhờ hội tụ nhiều yếu tố như tính giải trí, tính thực tế… Công cụ này phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại khi mua sắm online, bỏ đi rào cản không được cầm nắm hay thử sản phẩm, qua đó mức độ tin tưởng ở người dùng được gây dựng đáng kể" - đại diện này giải thích.
Một nhãn hiệu mỹ phẩm thường xuyên thuê người nổi tiếng livestream trên Facebook
Không riêng sàn TMĐT, người bán hàng nhỏ lẻ trên mạng xã hội cũng ngày càng tích cực livstream bán hàng. Thậm chí, nhiều nhãn hiệu không ngần ngại bỏ tiền thuê dàn "sao" quảng bá cho sản phẩm của mình nhằm tăng sự tin cậy.
Lo ngại chất lượng
Bên cạnh tiện ích, vấn đề chất lượng hàng hóa được bán qua livestream trên các trang online, đặc biệt là trang cá nhân chưa thông qua sự sàng lọc của sàn và của cơ quan quản lý, là điều rất đáng lo ngại.
Chị Hải Lan (quận 4, TP HCM) đặt mua một bộ đầm sau khi vô tình xem livestream trên Facebook do bị cuốn hút bởi lời giới thiệu rất thuyết phục và hình ảnh sản phẩm khá ổn. Song chị không khỏi thất vọng khi nhận về tay một chiếc đầm nhăn nhúm, chất vải rất xấu, chỉ có màu sắc khá giống khi xem trên livestream.
Quần áo, túi xách là mặt hàng được livestream rất nhiều
Một nhãn hiệu mỹ phẩm đang làm mưa làm gió trên các kênh bán hàng online là D.B quy tụ được đội ngũ sao Việt đông đảo để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Không ít người tiêu dùng tỏ ra tin tưởng tuyệt đối với những chia sẻ của dàn sao như diễn viên Th.H, L.Ph, ca sĩ B.D… Nhưng, trên nhiều diễn đàn về làm đẹp, các thành viên "bóc phốt" nhãn hiệu này thực chất bán sản phẩm kem trộn, gây ảnh hưởng xấu đến da.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), đánh giá nền tảng TMĐT là nơi người bán hàng lợi dụng để tiêu thụ, phân phối sản phẩm gian lận thương mại như trong đó có hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng cấm. Do đó, cần có giải pháp vừa thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh online để góp phần vào phát triển kinh tế vừa phải có chế tài quản lý để lĩnh vực này phát triển lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu nên dùng chọn mua sản phẩm trên các nền tảng hoặc trang bán hàng uy tín hay các trang chính thức của các thương hiệu để tránh mua nhầm sản phẩm kém chất lượng.
Bình luận (0)