Trong khi doanh nghiệp (DN) ngoại, nhất là từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, ồ ạt đầu tư khai thác tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân thì một bộ phận DN Việt cũng kịp vươn vai lớn mạnh.
Tạo vị thế mới
Năm 2017, Biti’s Hunter - thương hiệu mang phong cách thể thao phục vụ cho giới trẻ của Công ty Biti’s - liên tiếp giành được các giải thưởng quốc tế như Asia PR Awards, Wechoice Awards Vietnam ở hạng mục "Sự kiện ảnh hưởng tích cực nhất đối với giới trẻ"... Thành công vang dội của Biti’s Hunter đã hâm nóng thương hiệu Biti’s nổi tiếng một thời vốn là sự lựa chọn để "nâng niu bàn chân Việt". Theo bà Vưu Lệ Quyên, Phó Tổng giám đốc tiếp thị kinh doanh Biti’s, cách tiếp cận thị trường hiện đại và thông minh làm nên sự thành công của Biti’s Hunter và cũng như nâng tầm Biti’s lên một vị thế mới trong lòng người tiêu dùng Việt.
Doanh số ngành hàng giày thể thao của Biti’s tăng gấp 3 lần, đóng góp lớn cho doanh số của cả tập đoàn. Quan trọng hơn là sự kết nối được với giới trẻ, tạo sự hào hứng và sôi động của cả thị trường là một thành công mang tính định hướng cao đối với chiến lược kinh doanh của Biti’s trong thời gian sắp đến. Để một DN Việt trở mình một cách ngoạn mục như Biti’s không phải là điều dễ dàng khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt với rất nhiều thương hiệu ngoại nhập đến từ Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả những DN trong nước.
Ngoài nội lực về sản phẩm tốt và đẹp, chất lượng vượt trội, hệ thống phân phối là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của Biti’s. Công ty này có hơn 130 cửa hàng tiếp thị trên toàn quốc, 1.500 điểm bán phân phối phủ khắp từ Bắc vào Nam. Tất cả siêu thị lớn như Aeon, Big C, Coopmart, Lotte... đều có sản phẩm của Biti’s. Sản phẩm Biti’s cũng có mặt ở hầu hết sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Robins.vn...
Ngoài ra, Biti’s có kênh thương mại điện tử riêng để ra mắt các dòng sản phẩm. Chuỗi cửa hàng độc lập Biti’s Hunter với trải nghiệm mua sắm được khách hàng hài lòng hứa hẹn sẽ mang lại thành công tiếp nối cho Biti’s trong giai đoạn sắp tới.
Nhiều sản phẩm chế biến chất lượng cao của doanh nghiệp trong nước đã trụ vững trên thị trường Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ai đã đến Hội chợ Xanh tại Nhà Thi đấu Quân khu 7 (diễn ra trong tháng 1-2018) trong ngày khai mạc hẳn còn ấn tượng trước cảnh khách hàng tập trung tại gian hàng của Công ty Vinamit. Người dùng thử, người mua về nhưng hầu hết tỏ ra hài lòng về các loại ô mai cay, trái cây sấy dẻo, sấy lạnh, trái cây sấy phủ sô-cô-la và đặc biệt là trái cây sấy phủ sữa chua vừa được công ty tung ra cho thị trường Tết.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết trong năm 2018, Vinamit "đánh" mạnh dòng sản phẩm phủ sữa chua cũng như tập trung phát triển cả 2 dòng sản phẩm tươi lẫn chế biến cho thị trường nội địa. Một chiến lược mới chinh phục người tiêu dùng nội địa đã được chuẩn bị kỹ, sẽ trình làng khoảng cuối quý I đầu quý II/2018. Theo chiến lược này, ngoài những sản phẩm hiện hữu, dòng sản phẩm trái cây phủ sữa chua đã ra thị trường sẽ có thêm dòng nước uống dinh dưỡng từ trái cây, bánh snack. Đồng thời, phát triển website bán hàng trực tuyến kinh doanh khoảng 150 mã hàng thuộc nhóm gạo, rau củ, thịt cá, trái cây…
"Lâu nay, Vinamit không tập trung thị trường nội địa vì thị trường này phức tạp. Khảo sát thị trường thời gian gần đây cho thấy người tiêu dùng bắt đầu tin dùng sản phẩm chất lượng tốt và sẵn sàng trả đúng giá sản phẩm nên đây là cơ hội cho chúng tôi. Vinamit đang có nhiều giải pháp làm ăn ở sân nhà, nếu không làm thì quá sai. Chúng tôi xác định cần 10 tháng để thị trường làm quen sản phẩm mới và 2 năm để đo lường thị trường, nên trước mắt chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng nội địa 30% trong năm 2018" - ông Viên bộc bạch.
Được biết đến là thương hiệu mạnh về thực phẩm đông lạnh và cháo tươi, gần đây, tên tuổi Sài Gòn Food càng được nhân rộng nhờ tham gia cung ứng bữa ăn tươi cho hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ cân bằng doanh thu nội địa và xuất khẩu lên 5/5 (hiện nay là 3/7). "Trong ngành thủy sản, vừa bán nội địa vừa xuất khẩu giúp công ty có những lợi thế nhất định, phát triển liên tục 15 năm qua. Chúng tôi đã xuất khẩu hàng cho nhiều hệ thống phân phối lớn trên thế giới. Khi họ đầu tư, mở chuỗi tại Việt Nam thì Sài Gòn Food trở thành đối tác cung cấp hàng đầu tiên cho họ như chuỗi 7-Eleven của Nhật" - bà Lâm nói.
Lấy lại niềm tin người tiêu dùng
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), chuyên xuất khẩu trái cây tươi đi thị trường khó tính - nhìn nhận cái khó của thị trường nội địa là người tiêu dùng rất thiếu niềm tin với hàng trong nước. Chính vì vậy, rất nhiều người đã chi tiền để mua trái cây nhập với niềm tin vào sự an toàn. Năm 2017, doanh số xuất khẩu của công ty tăng gấp 4 lần năm 2016 và công ty đang chuẩn bị mở chuỗi cửa hàng trái cây cung cấp nội địa bằng kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu.
Ban đầu, công ty chỉ bán những loại quả đang xuất khẩu sang Mỹ như thanh long, nhãn, chôm chôm, vú sữa, dừa tươi và kiểm soát quy trình tương tự như xuất khẩu. Thực tế, trái cây đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ giá không quá cao so với thị trường nội địa. Nhiều thời điểm, giá xuất khẩu còn rẻ hơn giá bán ở chợ đầu mối TP HCM. Chẳng hạn, giá bán lẻ dừa tươi Việt Nam tại Mỹ (đi bằng đường tàu biển, không phải chiếu xạ) chỉ hơn 1 USD/quả (chưa tới 25.000 đồng/quả). Vì vậy, giá bán lẻ trái cây đạt chuẩn xuất khẩu sang Mỹ tại TP HCM của công ty cũng sẽ không quá cao nhờ sản lượng lớn và không qua trung gian.
Theo các DN, người tiêu dùng ngày càng thông minh và quan tâm nhiều đến chất lượng nên DN Việt chỉ có thể giành lại niềm tin của họ thông qua đầu tư vào chất lượng. Sài Gòn Food thành công nhờ đầu tư nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm mới chứ không phải cái gì xuất khẩu không được mới bán nội địa. Khi công ty này đưa ra dòng cháo tươi với giá từ 17.000-25.000 đồng/gói giữa lúc cháo ăn liền chỉ có 3.000 đồng/gói, ai cũng nghĩ sản phẩm sẽ gặp khó khăn nhưng công ty đã thành công do đã nghiên cứu kỹ.
"Phát triển thị trường nội địa là bán lẻ, phải nghiên cứu thị trường, tổ chức phân phối, làm marketing. Điều này rất khác với việc xuất khẩu hiện nay chủ yếu là gia công, bán sỉ. Xuất khẩu thì mọi việc từ công nghệ, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm được bên đặt gia công lo. Còn ở thị trường nội địa, nếu DN không đầu tư bài bản hoặc làm ở quy mô quá nhỏ sẽ khó thành công do chi phí lưu thông, phân phối, bán hàng rất lớn. Hiện nay, người tiêu dùng trong nước không chỉ có nhu cầu ăn no mà còn ăn ngon, chọn sản phẩm cao cấp nên phải có nghiên cứu nhu cầu từng đối tượng để đáp ứng đúng. Ngoài ra, DN còn phải cạnh tranh với hàng nhập, không chỉ về chất lượng mà còn mẫu mã, nếu bao bì không đẹp thì bị người tiêu dùng chê" - bà Lâm nhận định.
Cần quan tâm giá trị sản phẩm
Một trong những điểm đáng lưu ý từ cuộc khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao là khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm nói chung, đồng thời quan tâm hơn những giá trị mà nó mang lại và đặc biệt quan tâm các sản phẩm thực phẩm, đồ uống… có lợi cho sức khỏe. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu nông sản, thủy sản nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là sản phẩm sạch, an toàn và tinh tế, vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Ðây là một trong những điểm yếu cần được cộng đồng DN Việt quan tâm cải thiện, khi cạnh tranh với các DN nước ngoài trong xu thế hội nhập hiện nay.
T.PHƯƠNG
(*) Xem Báo Người lao Động từ số ra ngày 23-2
Bình luận (0)