Đến thăm những mô hình nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận theo tiêu chuẩn của Mỹ, EU tại Việt Nam, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự hoang sơ, bình dị của các nông trại. Ở đó không có máy móc lớn, môi trường rất trong lành cho chim chóc, ong bướm được tự do tìm đến. Trại rau hữu cơ tại Nghệ An của Tập đoàn TH còn nhắc khách tham quan không hút thuốc để giữ sự trong lành cho môi trường.
Tôn trọng tự nhiên, con người
Phong trào nông nghiệp hữu cơ khởi phát từ chuyện một số nhà khoa học cũng như người tiêu dùng lo lắng về việc nền nông nghiệp sử dụng quá nhiều hóa chất, gây tác động tiêu cực đến các loài sinh vật, hệ sinh thái và môi trường sống hơn là lo lắng về chất lượng thực phẩm.
Theo bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Organica (sở hữu chuỗi cửa hàng Organica, chuyên phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam), nhiều người nghĩ thực phẩm hữu cơ đơn giản là thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch. Điều đó đúng nhưng chưa đủ.
Nông trại hữu cơ có không khí trong lành
"Thời kỳ đầu, nông nghiệp hữu cơ hướng tới việc duy trì cân bằng sinh thái, đề cao các phương thức canh tác thuận tự nhiên, bảo vệ môi trường và tăng độ phì nhiêu cho đất. Đến nay, nông nghiệp hữu cơ đã có nhiều thay đổi nhưng các nguyên tắc cốt lõi của nó vẫn còn nguyên. Đó là phương thức canh tác tôn trọng môi trường, tự nhiên, con người đồng thời tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, không dư lượng hóa chất. Vì vậy, khi tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, người ta không đơn thuần là dùng một loại thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình mà còn thể hiện sự ủng hộ phương thức canh tác bền vững" - bà Thảo giải thích.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op (đang sở hữu dòng sản phẩm hữu cơ thương hiệu Co.op Organic), cho rằng Saigon Co.op đầu tư sâu vào nông nghiệp hữu cơ là do triết lý của nó gần gũi với tính nhân văn, tôn chỉ của mô hình HTX. Người tiêu dùng thực phẩm hữu cơ cần được biết những vất vả, khó khăn khi tạo ra sản phẩm tốt nhất về mặt chất lượng, an toàn đồng thời biết rằng mình đang góp phần cải tạo thiên nhiên, môi trường.
"Không thể một sớm một chiều phát triển sản phẩm hữu cơ, lối sống hữu cơ nhưng chúng tôi hy vọng sẽ cùng cơ quan quản lý nhà nước, các đối tác và những người tâm huyết mang đến môi trường sống, lối sống tốt hơn cho người tiêu dùng" - ông Kiên bày tỏ.
Lợi nhuận không chỉ là tiền
Giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản lớn tại Việt Nam đã thuyết phục nông dân nhìn đường dài khi chuyển đổi canh tác. Theo vị giám đốc này, cây hồ tiêu thâm canh bằng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học chỉ được 6 năm, trong khi canh tác hữu cơ cho trái 20 năm. Nông dân không sử dụng phân thuốc hóa học thì chi phí đầu vào ít hơn, môi trường trong lành hơn và sức khỏe của chính họ sẽ tốt hơn.
Ông Đặng Tấn Huynh, Chủ tịch HĐQT HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận (tỉnh Đắk Nông), cho biết đang thực hiện chuyển đổi canh tác hồ tiêu vô cơ sang hữu cơ. Trong 3 năm chuyển đổi, năng suất hồ tiêu sẽ giảm 30%-50% nhưng về giá bán, đơn vị thu mua chỉ cam kết cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg (tương đương khoảng 5% theo giá bán tiêu hiện nay). Đến khi vùng canh tác được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, giá bán sẽ gấp đôi tiêu thường. Khi đó, nông dân mới thấy hiệu quả kinh tế.
Theo bà Phạm Phương Thảo, nhiều nông dân muốn chuyển sang nông nghiệp hữu cơ nhưng còn vướng đầu ra và hiệu quả kinh tế. "Chưa đến 1% dân số Việt Nam hiểu và dùng thực phẩm hữu cơ. Nông dân làm sản phẩm hữu cơ cho gia đình dùng, còn dư ra thì bán đi đâu? Công sức bỏ ra nhiều hơn, giá thành cao hơn sản phẩm từ nông nghiệp tiện lợi mà không tìm được nơi tiêu thụ thì nông dân sẽ lỗ, nếu kéo dài vài vụ thì sẽ bỏ cuộc, quay lại cách làm cũ. Vì vậy, quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ. Cái này đòi hỏi thời gian và sự kiên trì. Ai đang muốn chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ trước tiên cần tìm hiểu kỹ những khó khăn phải đối mặt, tiếp đó là nên hợp tác với những đơn vị phân phối bán lẻ để có đầu ra. Tuyệt đối không nên tự làm một mình" - bà Thảo nêu kinh nghiệm.
Đồng bộ cả bao bì
Nếu để ý, người tiêu dùng sẽ phát hiện nông sản hữu cơ thường được đóng gói trong túi giấy, khay giấy, túi vải sử dụng nhiều lần do các đơn vị chuyên doanh thực phẩm hữu cơ giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông, nếu buộc phải sử dụng thì sẽ dùng túi ni-lông phân hủy sinh học.
Đại diện Organica cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức chương trình "Ngày chủ nhật không túi ni-lông", ưu đãi giảm giá cho khách hàng đến mua rau củ quả mang theo túi vải hay túi đựng hàng.
Bình luận (0)