Ngày 19-4, tại TP HCM, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia 2021 và Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2021 với chủ đề: "Thương hiệu quốc gia Việt Nam - Vị thế mới, giá trị mới" với sự tham gia của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Sở Công Thương và doanh nghiệp (DN) địa phương bằng hình thức trực tuyến.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng 29%
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết những năm gần đây, thứ hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới và luôn nằm trong nhóm các thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các quan hệ song phương và đa phương, hỗ trợ xuất nhập khẩu cùng với nỗ lực của các DN trong việc xây dựng thương hiệu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Brand Finance cho thấy năm 2020, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên mức 319 tỉ USD). Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, nhiều DN đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu là chìa khóa giúp gia tăng giá trị sản phẩm cũng như giá trị DN. Số lượng các DN tham gia vào chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia ngày càng tăng, từ 30 sản phẩm của 30 DN năm 2008 lên 283 sản phẩm của 124 DN năm 2020. "Tôi rất mong các DN sẽ chủ động nắm bắt cơ hội và tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải tiến chất lượng sản phẩm, quan tâm tới các vấn đề sở hữu trí tuệ, tận dụng đòn bẩy thương hiệu quốc gia Việt Nam để gây dựng thương hiệu, góp phần tạo hình ảnh Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia được trưng bày tại sự kiện
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cũng lưu ý các DN trong việc xây dựng thương hiệu cần phải gắn liền với việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. "Tôi vừa nhận được thông tin một thương hiệu gạo của Việt Nam đã được DN nước ngoài đăng ký ở thị trường Mỹ. Trước đây, từng xảy ra việc những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như: nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột bị nước ngoài đăng ký bảo hộ. Vấn đề này rất cần sự chủ động của DN để phân bổ nguồn lực cho bảo vệ và phát triển thương hiệu. Chúng tôi có mạng lưới tham tán thương mại, luật sư trong lĩnh vực này để hỗ trợ cho DN về quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ ở các thị trường xuất khẩu" - ông Phú thông tin.
Cũng theo ông Phú, năm 2021, Cục Xúc tiến thương mại sẽ ưu tiên các chương trình quảng bá thương hiệu Việt Nam tại nhóm các thị trường tăng trưởng nhanh nhờ các Hiệp định Thương mại tự do như Liên minh châu Âu (EU), Anh, khối CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, trong đó có Úc, Nhật Bản, Canada…). Đồng thời, hỗ trợ cho các DN đạt thương hiệu quốc gia giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện ở nước ngoài, từ hội nghị, hội thảo, triển lãm đến tiệc ngoại giao văn hóa.
Thoát bóng gia công
Tại diễn đàn, ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin (sản xuất gạch ngói nghệ thuật đạt thương hiệu quốc gia 2016-2020), đã chia sẻ câu chuyện thành công khi xuất khẩu sang 60 thị trường thế giới. Ông Kỳ cho hay DN đã hợp tác với nhiều nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới để tạo ra các bộ sưu tập độc quyền; hợp tác với một tập đoàn về đá quý phát triển dòng gạch "handmade Secoin" kết hợp đá quý. "Chúng tôi từng từ chối hợp tác gia công cho một thương hiệu lớn để tập trung phát triển thương hiệu Secoin ở thị trường xuất khẩu. Còn khi chấp nhận gia công, chúng tôi đàm phán để đối tác phải ghi rõ tên nước xuất xứ và tên Secoin trên sản phẩm để từng bước đưa thương hiệu gạch Secoin vào chuỗi cung ứng toàn cầu" - ông Kỳ chia sẻ.
Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc marketing Công ty Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), nói nếu mãi gia công, các DN giày Việt Nam sẽ bị ép giá nên cần phải xây dựng thương hiệu riêng. "Cách đây 5 năm, khách hàng trẻ rất thích hàng ngoại, thậm chí sẵn sàng dùng hàng fake (giả, nhái) chứ không mua giày thương hiệu Việt. Còn hiện tại, mọi chuyện đã khác. Vấn đề là DN phải tạo ra sản phẩm và câu chuyện phù hợp để kéo khách hàng về phía mình vì giày không chỉ để bảo vệ đôi chân mà còn để khẳng định cái tôi. Việt Nam nằm trong tốp đầu về xuất khẩu giày trên thế giới, giày "made in Vietnam" thường có giá hơn giày "made in China", đó là tiền đề để DN xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt" - ông Cường bày tỏ.
Cần kiên trì
Ông Thue Quist Thomasen, thành viên Ban Điều hành Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khuyến nghị các DN Việt Nam khi xây dựng thương hiệu cần hết sức kiên trì để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. "Việt Nam nên chú ý đến nhóm sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, bản chất là sản phẩm độc đáo của địa phương mà Việt Nam rất có lợi thế để xây dựng thương hiệu" - đại diện EuroCham tư vấn.
Bình luận (0)