Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần len lỏi vào nhiều lĩnh vực vốn được xem là "sân chơi riêng" của người làm nghề tự do (freelancer). Với khả năng xử lý nhanh chóng, chi phí thấp và ngày càng hoàn thiện, AI khiến không ít freelancer lo ngại mất dần chỗ đứng trong thị trường lao động. Tuy nhiên, thay vì bị động trước làn sóng công nghệ, nhiều người đã chủ động học cách kết hợp AI vào quy trình làm việc, biến nó thành "trợ lý ảo" giúp tăng hiệu quả, tiết kiệm thời gian hay mở rộng biên độ sáng tạo.
"Đối thủ" thành công cụ
TS Đặng Chính Thắng - cố vấn cao cấp LacoGroup - nhận định nhiều công việc tự do hiện nay đối mặt nguy cơ bị AI thay thế, nhất là các công việc mang tính lặp lại, dễ hệ thống hóa và không đòi hỏi nhiều cảm xúc hay sáng tạo. Những nghề chịu ảnh hưởng rõ rệt có thể kể đến như dịch thuật phổ thông, viết bài SEO theo công thức, dựng video theo mẫu, thiết kế banner đơn giản...
"Điểm chung của các công việc này là dễ bị thuật toán mô phỏng: từ nội dung, cấu trúc đến hình thức trình bày. AI có thể học từ hàng triệu mẫu dữ liệu để tạo ra sản phẩm tương tự với tốc độ nhanh và chi phí gần như bằng 0. Trong khi đó, người làm nghề tự do phải mất nhiều thời gian xử lý thủ công" - TS Thắng phân tích.

Người lao động tham gia khóa học AI tại TP HCM để bổ trợ chuyên môn, nâng cao hiệu quả công việc. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Bên cạnh yếu tố công nghệ, sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng cũng là chất xúc tác. Theo TS Thắng, khách hàng hiện có xu hướng ưu tiên các giải pháp "nhanh - rẻ - vừa đủ dùng", đặc biệt trong bối cảnh ngân sách eo hẹp hoặc nhu cầu chỉ mang tính thời điểm. AI có thể đáp ứng hiệu quả các tiêu chí này nhờ khả năng xử lý nhanh, giá thành rẻ và tính tùy biến cao. Nhưng AI không chỉ là "đối thủ" mà còn là công cụ đắc lực. Vấn đề không còn là "bị thay thế hay không", mà là ai sẽ thích nghi nhanh hơn. Trong kỷ nguyên mới, con người và AI không thể đối đầu mà buộc phải cộng sinh để phát triển.
Đồng quan điểm, ông Wilson Liêu, Chủ tịch Liên minh Phát triển năng lực AI Việt Nam (AICA), cho rằng AI đang mở ra nhiều cơ hội mới cho người làm nghề tự do. Những công việc mang tính sáng tạo và cá nhân hóa ngày càng được ưa chuộng, nhất là khi kết hợp với AI để tối ưu quy trình.
Ngoài ra, những nội dung mang đậm dấu ấn cá nhân, gắn với trải nghiệm sống và cảm xúc thật, điều mà AI khó mô phỏng, đang trở nên có giá trị hơn bao giờ hết. Nhiều freelancer cũng bắt đầu đảm nhận vai trò cố vấn hoặc huấn luyện AI, hướng dẫn hệ thống học theo phong cách cá nhân để tạo ra sản phẩm sát nhu cầu thực tế. Những người am hiểu công nghệ có thể phát triển, vận hành các công cụ AI phục vụ sáng tạo nội dung.
"Công đoạn biên tập và tinh chỉnh đầu ra từ AI để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh, phù hợp với mục tiêu sử dụng đang mở ra một hướng đi mới, bền vững hơn cho lực lượng lao động tự do. Đây là những cơ hội đáng chú ý trong thời đại AI bùng nổ" - ông Wilson Liêu nhận định.
Cộng sinh để bứt phá
Theo ông Phạm Phú Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Netalink, trong làn sóng phát triển mạnh mẽ của AI, người làm nghề tự do đang dần tái định vị vai trò của mình, từ "người nhận việc, giao sản phẩm" trở thành "người cộng tác cùng AI".
Thay vì xem công nghệ là đối thủ, cần học cách tận dụng AI như một trợ lý ảo thông minh, giúp tăng tốc độ làm việc, mở rộng khả năng sáng tạo và nâng cao chất lượng đầu ra. Để thích nghi với vai trò mới, người làm nghề tự do cần trang bị những năng lực đặc thù.
"Trước hết, họ phải trở thành người giám tuyển nội dung AI, biết chọn lọc, đánh giá và tinh chỉnh dữ liệu do AI tạo ra, sao cho phù hợp với mục tiêu cụ thể. Đồng thời, cần thành thạo kỹ năng giao tiếp và điều phối AI như viết câu lệnh hiệu quả, đặt câu hỏi thông minh và hướng dẫn AI qua nhiều vòng phản hồi để cho ra sản phẩm sát với nhu cầu thực tế" - ông Lâm nói.
Quan trọng hơn, người làm nghề tự do cần giữ vững năng lực sáng tạo vượt khỏi dữ liệu, đưa vào sản phẩm dấu ấn cá nhân, cảm xúc con người và trải nghiệm sống - những giá trị mà AI chưa thể thay thế. Việc chuyển mình từ người thực thi sang người điều phối sáng tạo chính là chìa khóa để họ không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong kỷ nguyên công nghệ.
TS Nguyễn Thụy Vũ, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nâng cao TP HCM, cũng cho rằng để bứt phá trong thời đại AI, người làm nghề tự do cần tập trung phát triển những năng lực mà máy móc khó thay thế. Trước hết là tư duy phản biện và khả năng sáng tạo ngược chiều. Trong khi AI vận hành trên dữ liệu sẵn có, con người có thể nhìn vấn đề dưới góc nhìn khác biệt, đặt câu hỏi trái chiều và từ đó tạo ra ý tưởng đột phá.
"Bên cạnh đó, kỹ năng kể chuyện bằng trải nghiệm cá nhân cũng là lợi thế. Những câu chuyện thật, cảm xúc thật cùng phong cách biểu đạt riêng sẽ tạo nên nội dung sâu sắc và chạm đến người đọc, điều mà AI khó mô phỏng" - TS Vũ nhấn mạnh.
Ngoài ra, thay vì chống lại AI, người làm nghề tự do nên học cách cộng tác hiệu quả với công nghệ này. Bởi lẽ, AI có thể hỗ trợ gợi ý ý tưởng, kiểm tra lỗi, xử lý dữ liệu hoặc tạo phác thảo, từ đó giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu suất công việc.
Cuối cùng, kỹ năng đa nhiệm như viết nội dung, thiết kế hình ảnh, dựng video… sẽ giúp freelancer linh hoạt hơn trong quá trình làm việc, đồng thời tạo ra sản phẩm trọn vẹn, nhất quán và mang tính cá nhân hóa cao. Khi kết hợp tốt các kỹ năng này, người làm nghề tự do không chỉ tránh bị tụt lại trong kỷ nguyên AI mà còn có thể vươn lên mạnh mẽ hơn.
Thu nhập tăng nhờ AI
Một khảo sát toàn cầu do nền tảng Freelancer.com (Úc) thực hiện mới đây, với sự tham gia của 4.363 người làm nghề tự do, cho thấy việc ứng dụng AI đang góp phần nâng cao năng suất và cải thiện thu nhập - trái ngược với lo ngại phổ biến rằng AI sẽ "giành chỗ" của con người.
Cụ thể, 73% freelancer cho biết đã tích hợp công cụ AI vào công việc, trong đó 20% sử dụng thường xuyên và có hệ thống. Kết quả, một nửa số người được khảo sát ghi nhận thu nhập tăng kể từ khi áp dụng AI, trong khi 27% vẫn giữ mức thu nhập như trước.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-7
Bình luận (0)