Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 được Bộ NN-PTNT tổ chức từ ngày 3-10 đến 6-10-2024 tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hội chợ trưng bày nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước như: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; chiếu cói Nga Sơn, Hương Quốc Tuấn, Gốm Chu Đậu...
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, cho biết điểm nhấn của Hội chợ năm nay là hoạt động livestream bán sản phẩm làng nghề và nông sản trên nền tảng TikTok. Trong khuôn khổ Hội chợ Làng nghề, các sản phẩm làng nghề, nông sản và sản phẩm OCOP sẽ được livestream bán trực tiếp trên TikTok tại kênh "Chợ phiên OCOP" trong khung giờ 10-13 giờ ngày 4-10.
"Theo xu thế kết hợp trực tiếp và trực tuyến, Hội chợ làng nghề sẽ có các phiên livestream bán hàng để tiếp cận những người tiêu dùng và khách du lịch không thể đến dự trực tiếp có thể theo dõi, tạo ra sự lan tỏa. Tôi hy vọng việc quảng bá sản phẩm làng nghề và nông sản trên nền tảng TikTok sẽ là cầu nối để các bạn trẻ hiểu hơn về truyền thống văn hóa Việt Nam, nét tinh xảo của các sản phẩm đến từ các làng nghề trên cả nước" - ông Nguyễn Minh Tiến nói.
Khác với các năm trước, Hội chợ Làng nghề năm 2024 sẽ diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Lễ trao giải Hội thi sản phẩm Làng nghề của TP Hà Nội tại Lễ khai mạc hội chợ; không gian trưng bày tôn vinh sản phẩm của các làng nghề truyền thống; tôn vinh sản phẩm đoạt giải tại Hội thi Thủ công mỹ nghệ của TP Hà Nội.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống.
Tuy nhiên, thực trạng sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Thiếu thốn về vốn và mặt bằng sản xuất, nạn ô nhiễm môi trường từ các làng nghề ngày càng trầm trọng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; Sản phẩm làng nghề chậm được đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước còn yếu, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bình luận (0)