Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỉ USD (tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023). Điều đó cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đặt niềm tin vào điểm đến Việt Nam.
Lao động Việt Nam dễ thích nghi
Giải thích lý do ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cho biết Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện, hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư để các dự án được hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Gần đây, nhiều DN Hàn Quốc rất quan tâm đến các ngành ứng dụng công nghệ cao, chất bán dẫn... "Điều mà DN Hàn Quốc kỳ vọng không những là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, mà nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và chất lượng của Việt Nam cũng góp phần thu hút đầu tư" - ông Hong Sun, nhấn mạnh.
Ông Lee Seok Joo, đồng sáng lập Công ty CP K-Beauty Worldwide Việt Nam (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho rằng người lao động (NLĐ) Việt Nam năng động, thích nghi nhanh và làm việc tâm huyết nên các nhà đầu tư yên tâm khi hoạt động tại thị trường 100 triệu dân. Khả năng ngoại ngữ như: tiếng Hàn, tiếng Anh của các bạn trẻ cũng khá tốt nên việc mở rộng tầm hoạt động ra quốc tế từ Việt Nam rất khả quan. Một điểm nữa là các chính sách của Nhà nước Việt Nam dành cho NLĐ rất tốt nên DN yên tâm phát triển, mở rộng kinh doanh mà không quá lo về nguồn nhân lực.
Ông Takenaka Koichi, Giám đốc điều hành, Trưởng Phòng Tổng vụ đại diện Honda Plus tại Việt Nam, cho biết ở Nhật Bản, Honda Plus tuyển dụng nhiều thực tập sinh Việt Nam và sau khi hết thời hạn về nước thì được tuyển dụng vào làm việc tại Honda Plus Việt Nam.
Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực, ông Takenaka Koichi cho rằng NLĐ Việt Nam chăm chỉ, ham học hỏi. Họ cũng có tác phong làm việc chuyên nghiệp không thua kém gì người Nhật và họ đoàn kết với nhau trong cuộc sống. "Chúng tôi mở rộng sản xuất tại Việt Nam vì nhìn thấy cơ hội và tiềm năng trong kinh doanh dài hạn. Ở đất nước các bạn, chúng tôi được làm việc với những nhân viên nhanh nhẹn, nhiệt huyết, gắn bó với công ty" - ông Takenaka Koichi nói.
Trong tầm ngắm của nhiều tập đoàn đa quốc gia
Báo cáo mới đây của Navigos Search cho thấy xu hướng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô…
Trong nửa đầu năm 2024, thị trường ghi nhận nhu cầu tuyển dụng nhân sự nói tiếng Trung tăng lên đáng kể. Theo Navigos Search, DN có vốn đầu tư Trung Quốc có sự ưu tiên lớn đối với nhân sự có kinh nghiệm và quản lý. Ưu tiên nguồn nhân lực đa dạng về kỹ năng và kinh nghiệm để duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Bà Trần Thị Hoàn, Phó Giám đốc Công ty Tuyển dụng Navigos Search khu vực miền Bắc, đánh giá hiện nhu cầu tuyển dụng ứng viên nói tiếng Trung tăng cao nhưng nguồn cung khá hạn chế. Vì vậy, các DN ưu tiên tuyển dụng một số nhân sự quan trọng nói tiếng Trung và sử dụng đội ngũ phiên dịch hỗ trợ thêm. Về lâu dài, các DN có thể cân nhắc các chương trình khuyến khích NLĐ học thêm tiếng Trung.
Adecco Việt Nam cũng ghi nhận nhiều yêu cầu tuyển dụng lao động biết tiếng Trung từ các DN đang hoạt động tại Việt Nam, nhất là từ các DN sản xuất và chế tạo có vốn đầu tư từ Trung Quốc. Adecco Việt Nam khuyến nghị NLĐ nên cân nhắc đầu tư cho tiếng Trung vì nhu cầu nhân sự thông thạo tiếng Trung đang ngày càng tăng, đây sẽ là yếu tố giúp NLĐ nổi bật lên khi tìm việc.
Theo bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ Tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam, không chỉ các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, các DN sản xuất cũng có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam bởi nguồn nhân lực dồi dào và chi phí thấp. Nhu cầu nhân lực biết tiếng Trung cũng vì vậy mà tăng cao. Ứng viên biết tiếng Trung cũng cần lưu ý rằng việc thông thạo tiếng Trung không chỉ dừng lại ở khả năng giao tiếp cơ bản mà còn cần kỹ năng viết, đọc, hiểu và hiểu biết văn hóa Trung Hoa.
Ông Gaur Dattatreya, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bosch Global Software Technologies (quận Tân Bình, TP HCM), cho rằng chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định đặt hay dịch chuyển căn cứ của các nhà đầu tư. Vì vậy, việc có một kế hoạch cụ thể để phát triển nguồn nhân lực của các ngành công nghệ cao trọng điểm sẽ giúp Việt Nam nổi bật hơn trong tầm ngắm của các tập đoàn đa quốc gia.
"Việt Nam cần khuyến khích kết nối giữa DN trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, các cơ sở giáo dục dạy nghề và bậc đại học. Từ đó tạo điều kiện cho nguồn nhân lực được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng thực tiễn để đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài" - ông Gaur Dattatreya đề xuất.
Bình luận (0)