Để phấn đấu vào nhóm có điểm trong bình cao, UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI năm 2024 của tỉnh. Trong kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả 8 nội dung chính đề ra tại kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các nội dung cải thiện Chỉ số PAPI.
Công khai, minh bạch trước người dân
Về nội dung tham gia của người dân ở cấp cơ sở, thường xuyên kiện toàn hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; thực hiện tốt công tác phổ biến pháp luật tại cơ sở; thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các hoạt động của địa phương.
Thông tin, tuyên truyền về số lượng, hoạt động của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các hội, nhóm, câu lạc bộ hoạt động trên địa bàn; thông tin thường xuyên, cụ thể các hoạt động của các tổ chức, nhằm thu hút người dân quan tâm, tham gia.
Thông tin cụ thể, cập nhật thường xuyên số lượng, chức danh, nhiệm vụ được phân công của cán bộ, công chức, viên chức kèm theo phương thức liên lạc giữa người dân với cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức nhằm tăng sự tương tác, thông tin giữa chính quyền với nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công.
Thông tin minh bạch về các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn, minh bạch các khoản đóng góp của người dân khi thực hiện các dự án "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", thông tin cụ thể người dân biết về hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tạo điều kiện ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện nhiệm vụ; cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý xây dựng của người dân.
Về nội dung công khai và minh bạch, UBND tỉnh Long An yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước trong cộng đồng, các khu vực dân cư, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kịp thời, dễ dàng tiếp cận thông tin.
Triển khai nhiều biện pháp để cải thiện về tỷ lệ người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn xã, phường, thị trấn và nâng tỷ lệ người tham dự, đóng góp ý kiến cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đối với nội dung trách nhiệm giải trình với người dân, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật khiếu nại, tố cáo và về hòa giải ở cơ sở. UBND xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ, thường xuyên theo quy định; tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt trong Nhân dân; duy trì và tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa Chủ tịch UBND các cấp với các tầng lớp nhân dân.
Kịp thời tiếp nhận, xử lý và phản hồi các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định. Thường xuyên tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức về chuyên môn nghiệp vụ trong tiếp nhận, xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Tăng cường công tác kiểm soát thủ tục hành chính
Về nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, UBND tỉnh yêu cầu triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực quản lý, đặc biệt liên quan đến công tác quản lý đất đai, xây dựng, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), công tác tài chính... theo quy định pháp luật.
Công khai, minh bạch kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo đúng quy định, đa dạng về hình thức nhằm thông tin đến người dân được biết và thực hiện giám sát.
Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí; đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng trong quản lý nhà nước tại các đơn vị theo thẩm quyền.
Công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí hàng năm theo quy định. Xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị phụ trách.
Với nội dung thủ tục hành chính công, cần tăng cường công tác kiểm soát TTHC, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng; không để tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần để giải quyết hồ sơ; nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giải quyết TTHC.
Về nội dung cung ứng dịch vụ công, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, y tế dự phòng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám chữa bệnh nhằm cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; mở rộng các hình thức đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, nâng cao tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cải cách TTHC trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, từ khâu cấp phát thẻ đến thanh toán chế độ bảo hiểm y tế; triển khai thực hiện có hiệu quả hơn việc hỗ trợ người nghèo mua bảo hiểm y tế và trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí khám chữa bệnh.
Về nội dung quản trị điện tử, triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tuyên truyền, phổ biến để người dân biết các tiện ích, ứng dụng công nghệ thông tin, địa chỉ truy cập, nơi cung cấp thông tin chỉ dẫn, biểu mẫu hồ sơ TTHC trên Cổng thông tin điện tử và Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Thực hiện phổ biến Luật An ninh mạng, kịp thời phản hồi, giải thích, giải quyết các phản ánh của người dân qua môi trường mạng, các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội để minh bạch thông tin hoạt động của chính quyền các cấp; cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, góp phần cải thiện hiệu quả quản trị điện tử của chính quyền các cấp…
Xử lý nghiêm hành vi không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường
Về nội dung quản trị môi trường, thực hiện tốt quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường tại địa phương; thông tin đến người dân biết công tác quản lý nhà nước về môi trường, nghĩa vụ bảo vệ môi trường của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm; thông tin kết quả giải quyết của các cơ quan đối với các phản ánh của người dân liên quan đến bảo vệ môi trường tại địa phương để người dân được biết.
Bình luận (0)