Từ rất lâu, kim ngân hoa đã được dân gian dùng làm nguyên liệu thuốc nam để chữa trị bệnh. Tuy nhiên, cây chủ yếu được trồng trong vườn nhà phục vụ cho nhu cầu của mỗi gia đình. Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm từ cây kim ngân hoa, một số hộ dân đã nhanh nhạy triển khai trồng đại trà loại cây dược liệu này trên các diện tích đồi thấp, đất nông nghiệp kém hiệu quả, hình thành một số mô hình trồng kim ngân hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều ưu thế trong canh tác
Điển hình như các mô hình trồng kim ngân hoa ở xã Hoàng Hoa Thám, một xã miền núi của TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đến nay, diện tích trồng cây kim ngân hoa tại xã Hoàng Hoa Thám là 7 ha, chiếm khoảng 1,5% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hoàng Hoa Thám, cho biết cây kim ngân hoa mỗi năm cho thu hoạch hai lần, vào tháng 4 và tháng 7. Hoa sau khi đã được phơi khô giá dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg; thân, lá phơi khô bán được giá từ 28.000 - 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, mỗi sào (Bắc Bộ) trồng kim ngân hoa một năm cho thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng, cao hơn một số cây trồng khác.
Nhằm tăng giá trị sản phẩm cho người dân, Hội LHPN xã Hoàng Hoa Thám cũng đã hướng tới thành lập tổ sản xuất, chế biến dược liệu chiết xuất từ kim ngân hoa nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng hơn, bảo quản được lâu hơn và nâng tầm giá trị sản phẩm từ cây kim ngân hoa. "Ưu thế của sản phẩm này so với các nông sản khác trên địa bàn như nhãn, vải, thanh long… là không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí sản phẩm OCOP và quan điểm của Hội LHPN Việt Nam trong vấn đề bảo vệ môi trường, đồng thời tạo thêm cảnh quan cho việc phát triển du lịch nông thôn" - bà Nguyễn Thị Hòe khẳng định.
Cây kim ngân hoa và mô hình trồng cây dược liệu kim ngân hoa Ảnh: TRANG ĐOÀN
Hội LHPN xã cùng UBND xã phối hợp với một trung tâm nghiên cứu dược liệu ở Hà Nội hỗ trợ bà con nông dân giống, kinh nghiệm trồng, thu hoạch, chế biến kim ngân hoa để bà con có điều kiện sản xuất. "Mục tiêu dự kiến mở rộng vùng trồng lên tới 50 ha, nếu cho hiệu quả tích cực, chúng tôi sẽ tiến tới chuyển đổi cây trồng, quy hoạch thành vùng trồng dược liệu kim ngân hoa" - bà Dương Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám, kỳ vọng.
Nữ bác sĩ đông y Vũ Minh Tú ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang sở hữu khu vườn rộng 6.000 m2 trồng 4.000 cây kim ngân hoa, cây được trồng theo hàng rất bài bản, hoa nở đều rất đẹp và đặc biệt là được bón phân hữu cơ quanh năm. Chị Tú cho biết cây này nếu trồng có sử dụng thuốc và phân hóa học thì không giữ được dược tính đặc biệt của hoa. Năm 2020, chị Tú bắt đầu thu hoạch hoa rồi đem sản xuất ra một số sản phẩm thử nghiệm. Đến đầu năm 2021, chị Tú chính thức đưa ra thị trường sản phẩm kim ngân hoa sấy khô (100% là nụ hoa), trà kim ngân hoa dạng túi lọc. Các sản phẩm của chị đều qua công nghệ sấy lạnh ở nhiệt độ dưới 25 độ C, không chất bảo quản. Cách làm này giữ được dược tính của hoa. Trong năm đầu tiên đưa sản phẩm ra thị trường, doanh thu của chị đã đạt gần 1 tỉ đồng. Hiện chị đã xây dựng được các đại lý phân phối tại An Giang, TP Cần Thơ, TP HCM, Nha Trang, Bình Thuận, Quảng Ninh và Hà Nội. Trong năm 2022, sản phẩm trà kim ngân hoa của chị Tú đã được UBND tỉnh An Giang công nhận là 11 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Chị Tú cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô diện tích trồng theo tiêu chuẩn LocalGAP; đồng thời, mở phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm tại địa phương để phục vụ người dân địa phương và du khách.
Cây dễ trồng
Kim ngân hoa có tên khoa học lonicera japonica thunb, là loại dây leo, thân to bằng chiếc đũa dài tới 9 - 10 m, có nhiều cành, lúc non màu xanh, khi già màu đỏ nâu. Lá hình trứng, mọc đối, phiến lá rộng 1,5 - 5 cm, dài 3 - 8 cm. Lá cây quanh năm xanh tươi, hoa mẫu 5 mọc thành xim 2 hoa ở kẽ lá. Hoa thơm khi mới nở có màu trắng, về sau chuyển thành vàng cho nên trên cùng một cây ta có thể thấy hiện diện 2 màu sắc hoa là hoa trắng và hoa vàng, vì thế cây được đặt tên là kim ngân. Quả mọng hình cầu màu đen.
Kim ngân hoa hay còn có tên gọi khác là nhẫn đông. Sở dĩ có tên gọi này vì cây không những có khả năng chịu đựng được mùa đông mà còn có thể phát triển xanh tốt vào giai đoạn thời tiết này. Kim ngân hoa có thể trồng được trên đất kém màu mỡ, bị hoang hóa, góp phần chống xói mòn đất, giữ nước, bảo đảm cân bằng hệ sinh thái thiên nhiên. Vì thế, loại cây này có thể trồng phù hợp ở nhiều địa phương, vùng miền khác nhau trong cả nước. Tính chất chống chịu được nhiều loại thời tiết và khả năng sinh trưởng trên đất nghèo, hoang hóa của cây kim ngân hoa sẽ giúp cho nhiều địa phương giải được bài toán phủ xanh đất cằn cỗi, hoang hóa hiện rất lớn, giúp người dân có thêm cây trồng dễ canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cây dược liệu quý
Theo đông y, kim ngân hoa vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị sốt; dân gian thường sử dụng để chữa mụn nhọt, rôm sảy, thủy đậu, sởi, tả lỵ… Ngoài ra, đã có một số nghiên cứu cho thấy kim ngân hoa có vai trò trong điều trị dị ứng, viêm mũi và thấp khớp. Ngày nay, khi chiết xuất các thành phần có trong hoa kim ngân, người ta tìm thấy trong đó một số các chất có lợi trong việc phòng cũng như điều trị bệnh, như flavonoid, saponin và các yếu tố khác có công dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống khối u, làm mau liền sẹo. Đồng thời, các chất hiện diện trong cây có khả năng chống lại quá trình ôxy hóa của cơ thể, ngăn chặn quá trình lão hóa cũng như có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các căn bệnh mạn tính. Dược tính của nó còn có tác dụng đề kháng một số vi khuẩn như: trực khuẩn lỵ, dịch hạch, thương hàn, cận thương hàn, liên cầu khuẩn tan huyết; có tác dụng yếu hơn đối với các loại vi khuẩn khác như: E.coli, phế cầu, tụ cầu vàng, bạch hầu. Ngoài ra, nó còn có khả năng ức chế một số nấm ngoài da khá hiệu quả. Người xưa thường sử dụng kim ngân hoa pha nước uống để giải nhiệt cơ thể, điều trị rôm sảy, mẩn ngứa ở trẻ em.
Bình luận (0)