Đó là chị Phạm Thị Hồng Nguyên (31 tuổi; ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước). Chị đã tận dụng lá bồn bồn bỏ đi để sản xuất ra những chiếc túi xách thời trang thân thiện với môi trường.
Cơ duyên
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp ngành ngân hàng, chị Nguyên làm việc cho một công ty có trụ sở tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau với mức lương và chế độ đãi ngộ ổn định. Nhưng rồi với mong muốn khám phá và tìm kiếm thử thách mới, nữ cử nhân 9X ngành ngân hàng này đã từ bỏ công việc ở quê nhà để lên Bình Dương lập nghiệp.
"Thời gian ở Bình Dương, tôi sống gần khu gia công đồ mỹ nghệ bằng lục bình và may mắn được những người thợ ở đây chỉ dạy cách làm. Nhận thấy nhiều phế phẩm nông nghiệp có thể tận dụng làm đồ mỹ nghệ nên tôi nảy ra ý nghĩ tận dụng lá bồn bồn ở quê nhà để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ" - chị Nguyên nhớ lại cơ duyên của mình với nghề đan túi xách từ lá bồn bồn.
Các sản phẩm túi xách thời trang làm từ lá bồn bồn của chị Phạm Thị Hồng Nguyên
Bồn bồn là loài cây mọc hoang có nhiều ở Cà Mau. Những năm gần đây, bồn bồn trở thành món ăn đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng nên người dân ra sức bảo vệ cây trồng đang đem đến nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Bồn bồn được người dân thu hoạch tách lấy phần lõi để bán, phần lá gần như bị bỏ đi, số ít được ủ làm phân hữu cơ để bón cây.
Chị Nguyên về quê mang lá bồn bồn lên Bình Dương nghiên cứu làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Do đây là nguyên liệu mới lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên ban đầu, hàng trăm chiếc túi của chị làm ra phải bỏ đi. Thất bại nhưng không nản, chị truy cập các trang mạng, báo, để tìm hiểu về đặc tính của lá bồn bồn và cách làm đồ mỹ nghệ bằng loại cây này.
Khi đã trang bị được kiến thức tốt hơn, chị Nguyên quyết tâm khắc phục những hạn chế để các sản phẩm mình làm ra đi đến hoàn thiện, chinh phục khách hàng theo hướng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Chinh phục ước mơ "xanh"
Để có chiếc túi xách từ lá bồn bồn đạt chuẩn, sau khi thu hoạch, chị Nguyên lấy phần lá đem phơi cho đến khi chuyển sang màu vàng bắt mắt; độ dẻo, dai đạt chuẩn thì bắt đầu các công đoạn đan túi xách. Khi những chiếc túi xách thô được hoàn thiện, người thợ sẽ cho keo chống thấm, mốc… vào; tiếp đến là công đoạn đóng khóa và dây kéo. Đối với những thợ lành nghề, thời gian hoàn thành một chiếc túi xách khoảng hơn một ngày công.
Túi xách làm bằng lá bồn bồn được bán với giá dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/chiếc. Mỗi tháng, chị Nguyên bán ra thị trường hàng trăm chiếc túi xách từ phế phẩm bồn bồn thông qua các nền tảng mạng xã hội và bán sỉ cho khách buôn, thu về hàng chục triệu đồng.
Các sản phẩm túi xách thời trang làm từ lá bồn bồn của chị Phạm Thị Hồng Nguyên
Mẫu mã các sản phẩm túi xách thân thiện với môi trường này của chị Nguyên có xu hướng cách tân, phong cách sành điệu và hiện đại.
"Túi xách đan từ lá bồn bồn của chị Nguyên rất mềm mại có thể sử dụng trong nhiều trường hợp và đều toát lên vẻ thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, do được phủ keo nên người dùng không sợ ẩm, mốc, nếu dùng kỹ có thể kéo dài thời gian sử dụng trong một vài năm là chuyện bình thường" - chị Nguyễn Thị Thi (ngụ TP Cà Mau) khẳng định.
Nguyễn Kiều Nhung, sinh viên đại học tại Cần Thơ, cho biết mình đang sử dụng túi xách làm từ lá bồn bồn để đựng dụng cụ học tập. "Nhiều bạn khen túi đẹp, nhờ mua để làm quà tặng cho người thân và bạn bè" - Nhung khoe.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, chị Nguyên đã hướng dẫn cách làm cho nhiều phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương để tăng sản lượng. Cung cấp nguyên liệu rồi thu lại với giá 75.000 đồng/chiếc túi thô.
"Thời gian tới, bên cạnh mở rộng thị trường, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, nghiên cứu để tạo sự đa dạng về mẫu mã, tôi sẽ mở rộng quy mô cũng như nhận thêm thợ đan gia công để giúp chị em phụ nữ ở quê nhà có thêm thu nhập" - chị dự định.
Bà Nguyễn Kiều Mi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Phú, đánh giá việc tận dụng lá bồn bồn làm túi xách là ý tưởng hay, sáng tạo phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh và thân thiện với môi trường. Địa phương sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ chị Phạm Thị Hồng Nguyên giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm túi xách cũng như hướng dẫn các thủ tục để xây dựng sản phẩm trên thành sản phẩm OCOP.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ thành lập Tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ để góp phần giải quyết việc làm, nâng cao nguồn thu nhập cho các hộ nông nhàn. Qua đó, góp phần giữ chân người lao động tại địa phương" - bà Mi tin tưởng.
Bình luận (0)