Tại dự thảo Luật Việc Làm sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 1% tiền lương tháng; Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động.
Trường hợp người lao động bị thất nghiệp, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất mức hưởng trợ cấp thấp nghiệp hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi lao động thôi việc, tối đa không quá 5 lần lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.
Tuy vậy, góp ý cho dự thảo luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng lên 75% bình quân tiền lương tính đóng BHTN trước khi nghỉ việc. Bởi phần lớn doanh nghiệp đóng cho lao động theo mức lương tối thiểu vùng nên tiền hưởng rất thấp.
Góp ý về vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Tài, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hong Ik Vina (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) cho hay 75 % vẫn chưa thực sự thỏa đáng. Người lao động chỉ được hưởng BHTN 1 tháng/năm đóng thì lẽ ra phải là 100% mới đúng. "Còn quy định tối đa được hưởng 12 tháng cũng không hợp lý vì người lao động đóng bao nhiêu năm thì nên được hưởng bao nhiêu tháng"- ông Tài đề xuất.
Còn PGS. TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoàn toàn đồng ý với đề xuất của phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đó là tăng mức được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng lên để cho người lao động có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp, để cho người lao động có thể bảo đảm cuộc sống của họ.
"Vì khi đó, người lao động, ngoài trợ cấp thất nghiệp ra, bình thường nếu không nói là quá ít thì người ta không còn cái khoản thu nhập khác nữa. Cho nên đề nghị trợ cấp thất nghiệp tăng thêm đấy là chính đáng. Tôi hoàn toàn ủng hộ"- ông Thọ cho hay.
Nếu như việc này thành hiện thực, thứ nhất, người lao động sẽ được bảo hiểm thêm thời gian để họ có thể yên tâm với cuộc sống. Thứ hai, người lao động sẽ có thể an toàn hơn trong việc bảo đảm an sinh xã hội sẽ được bảo đảm tốt hơn. Và đây chính là nguồn lực để có thể giữ được nhân lực của doanh nghiệp, để có được vị thế tốt hơn phục vụ sản xuất.
Bình luận (0)