Sáng 24-3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP
Theo đó, các bộ quản lý lĩnh vực đề xuất lượng hạn ngạch phân bổ hằng năm cho từng cơ sở thuộc phạm vi quản lý. Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo giai đoạn và hằng năm, sau đó tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải cho các cơ sở.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính theo 3 giai đoạn: 2025-2026, 2027-2028, 2029-2030. Trong giai đoạn đầu phân bổ cho các cơ sở có mức phát thải lớn thuộc 3 lĩnh vực: Nhiệt điện, sản xuất sắt thép, sản xuất xi măng. Dự kiến có 150 cơ sở được phân bổ hạn ngạch trong giai đoạn đầu, chiếm khoảng 40% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết tinh thần thiết kế, xây dựng dự thảo Nghị định là "vừa chạy, vừa xếp hàng", vừa làm, vừa cập nhật, bổ sung những vấn đề mới để bắt kịp sự thay đổi trong nước và quốc tế.
"Các bộ, ngành sẽ làm trước, tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi phân cấp cho địa phương"- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá dự thảo Nghị định đã từng bước cập nhật tình hình quốc tế, thực tiễn, kinh nghiệm đã có; thể hiện cam kết của Việt Nam với các thỏa thuận quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính; nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp trong nước cũng như các đối tác thương mại, tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, đây là nghị định mang tính chất kỹ thuật, còn nhiều biến động, thay đổi, vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải quán triệt hệ thống luật pháp chuyên ngành, thỏa thuận quốc tế, đồng thời đưa ra định hướng, nguyên tắc khung có kiểm soát với tư duy "sandbox" để tiếp tục cập nhật những vấn đề kỹ thuật có thể còn biến động.
Phó Thủ tướng nêu rõ Nghị định một mặt thực hiện chủ trương chung từng bước thực hiện đầu tư công nghệ, quản lý và tăng cường các biện pháp hấp thụ để giảm phát thải; mặt khác là để hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về quy định quản lý loại hàng hóa là tín chỉ carbon trên thị trường carbon; phân cấp quản lý hạn ngạch phát thải cho các bộ chuyên ngành; ứng dụng công nghệ, thực hiện số hóa quản lý, vận hành trong mọi hoạt động liên quan đến phát thải, tín chỉ carbon...
Bình luận (0)