Tại tọa đàm "Vai trò của văn học - nghệ thuật trong xây dựng con người TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình" do Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật TP HCM tổ chức gần đây, văn nghệ sĩ TP HCM đã thể hiện quyết tâm hòa vào công cuộc chung của cả nước, biến những sáng tạo mang tính đột phá góp phần kiến tạo nền công nghiệp văn hóa (CNVH) mà Chính phủ đã đặt trọng tâm xây dựng đến năm 2030.
Phải phối hợp đồng bộ
Nhiều ý kiến khẳng định trong số những hạn chế tồn tại, việc quảng bá văn hóa Việt với các loại hình rất cần sự đồng bộ và cải cách chuyên sâu. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nói nếu không có sự phối hợp đồng bộ, sẽ không tạo được hiệu quả thiết thực cho phát triển CNVH. "Ngay tại TP HCM - nơi được xem là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị của không ít rạp hát, sàn diễn kịch, ca nhạc đã xuống cấp. Một khi chưa có sự quan tâm, đầu tư thật tốt thì khó mà xứng tầm CNVH. Trong khi đó, các rạp chiếu phim, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ đã được nâng cao, đạt chất lượng nhưng giá vé chưa tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên tiếp cận cũng là một hạn chế" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh.
Theo NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng, TP HCM đã tổ chức nhiều đợt khảo sát thực trạng CNVH, một số lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn đang có chiều hướng phát triển tốt, kết quả cho thấy nhiều nơi chưa đạt chuẩn. Trong khi muốn phát triển CNVH, cần có quỹ đất cũng như kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của biểu diễn nghệ thuật mang tầm đẳng cấp.
Đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn cho rằng lĩnh vực điện ảnh hầu hết do các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp tư nhân chiếm thị phần, vai trò của điện ảnh nhà nước không phát huy được khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội. "Muốn tăng tính hấp dẫn của phim điện ảnh Việt Nam và được khán giả các nước đón nhận thì vai trò quảng bá rất quan trọng" - ông nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng đối với nghệ thuật biểu diễn, so với nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật đích thực, cần nhanh chóng xây dựng nhà hát giao hưởng thành phố. Song song đó, cần có những chính sách kích cầu, hỗ trợ và nâng cao nhận thức, thụ hưởng văn hóa - nghệ thuật cho người dân các tỉnh, thành trong cả nước.
PGS-TS Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, cho rằng việc tuyển chọn, thuê chuyên gia các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật được thể chế hóa đã đẩy mạnh việc liên kết đào tạo chuyên sâu cho diễn viên. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự bắt kịp tiến độ chung của chương trình; một số kế hoạch, đề án chưa kịp thời ban hành; chính sách trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật không hấp dẫn nhiều tài năng trẻ.
"Vì thế, đào tạo đúng người, đúng việc và chuyên sâu rất cần sự thống nhất từ đầu trong chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ở các nước muốn xây dựng nền CNVH bền vững, họ cử hẳn 100 - 200 sinh viên tiêu biểu để gửi đi tu nghiệp. Cụ thể năm 2000, Hàn Quốc đã đưa lực lượng trẻ đến Mỹ học về thời trang, điện ảnh, nhạc kịch. Sau đó họ quay về phục vụ đất nước" - NSND Trần Minh Ngọc nói.
Cần đột phá trong quảng bá
Theo các nhà chuyên môn, TP HCM nói riêng, Việt Nam nói chung, trong tương lai gần vẫn chưa thể có ngay sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng trong nội hàm các ngành nghề, lĩnh vực của CNVH. Thị trường sản phẩm CNVH tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng tuy vẫn có ngoại lệ như thị trường phim ảnh và ca nhạc hiện đại qua một vài dẫn chứng được cho là điểm son như: Lễ hội Âm nhạc quốc tế thường niên Hozo, chương trình "À ố show", Liên hoan Phim quốc tế TP HCM; phim "Mai", "Lật mặt 7 - Một điều ước"…
NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh trong hành trình cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm CNVH Việt Nam với hàng nhập khẩu thương hiệu toàn cầu rất cần tạo sự đột phá trong quảng bá, dựa vào đặc điểm riêng của mỗi loại hình CNVH.
"Cần giải quyết bài toán thực tế giữa cung và cầu, về phía các nghệ sĩ, những người hoạt động nghệ thuật mong muốn có nhiều cuộc đối thoại trực tiếp giữa nghệ sĩ với các nhà quản lý văn hóa - nghệ thuật để cùng tìm giải pháp. Theo đó, việc TP HCM sẽ xây dựng Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật TP HCM tại số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, hứa hẹn sẽ là điểm trao đổi, nâng cấp các mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ, công chúng và du khách, hướng đến việc có lộ trình góp phần quảng bá thật mạnh cho CNVH của thành phố nói riêng và cả nước nói chung" - NSND Trần Minh Ngọc kỳ vọng.
Riêng đối du lịch văn hóa, cần hoàn thiện chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030. Nghệ nhân Nhân dân Út Tỵ cho rằng Lễ hội Sông nước TP HCM lần 2 cần đưa âm nhạc cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ vào để quảng bá di sản của vùng đất này.
Cần có chiến lược trong hoạt động xúc tiến du lịch gắn kết với văn hóa trong nước, như tập trung vào việc tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch trên địa bàn thành phố; chú trọng nhiều hơn ở thị trường khách du lịch nội địa đến thành phố thông qua đường sông, đường thủy và cả tuyến metro từ Bến Thành đến Suối Tiên, vận dụng các nhà ga để quảng bá sản phẩm văn hóa.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật TP HCM, từ kết quả nghiên cứu về việc xây dựng nền CNVH, có các vấn đề đặt ra gồm: sự phát triển CNVH TP HCM có khả năng đóng góp to lớn cho các chỉ tiêu thu nhập quốc dân, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống tinh thần của cư dân; CNVH TP HCM đa dạng loại hình nhưng chưa có sự kết nối; TP HCM cần đặt yêu cầu cao hơn đối với hiện trạng phát triển văn hóa hiện nay, với mục tiêu là phát triển văn hóa trở thành sản phẩm CNVH…
"Liên hiệp Các hội văn học - nghệ thuật TP HCM quyết tâm cùng với 9 hội chuyên ngành làm tốt vai trò, sứ mệnh được đề ra trong công cuộc góp phần xây dựng nền CNVH Việt Nam phát triển. Mỗi văn nghệ sĩ là một chiến sĩ, phải nêu cao sáng tạo, vận dụng sự đổi mới để làm tốt trọng trách sáng tác, biểu diễn và quan trọng hơn là quảng bá thật tốt những sản phẩm văn hóa đạt chất lượng, mang tầm giao lưu quốc tế" - kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu chia sẻ.
Một số thành tựu nhất định
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 tại Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu rõ nhiệm vụ về phát triển CNVH đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa.
Ngày 8-9-2016, Chính phủ ban hành "Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, sau 5 năm triển khai thực hiện chiến lược, 12 ngành CNVH đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tính đến năm 2018, 12 ngành đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỉ USD, tương đương 3,61% GDP.
Phát triển CNVH đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh. "Các ngành CNVH thể hiện rõ xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại, từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế" - TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh.
Cách hiểu về công nghiệp văn hóa
NSND Trần Minh Ngọc dẫn giải có nhiều cách hiểu về CNVH nhưng điểm chung là CNVH đề cập các ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-5
Bình luận (0)