Bà Lê Thị Trà Ngân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH AMANN Việt Nam, cho biết hiện nay công ty có 233 lao động, trong đó có 114 LĐN. Số LĐN đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi tại công ty là 88 người. Những năm qua, ban giám đốc đã phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản có lợi cho người lao động (NLĐ) như tặng quà các ngày lễ lớn, thưởng tháng lương 13; khám sức khỏe định kỳ...
Bên cạnh đó, công ty cũng đã thực hiện tốt các chính sách cho LĐN theo đúng quy định của pháp luật. Đối với LĐN mang thai từ tuần thứ 26 trở đi và LĐN đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, công ty không yêu cầu làm việc vào ca đêm, làm thêm giờ... Công ty cũng bố trí phòng hút, trữ sữa cho LĐN. Dù vậy, Ban Chấp hành Công đoàn nhìn nhận vẫn còn một số nội dung chưa đáp ứng mong muốn của NLĐ.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Công đoàn công ty đưa ra 3 đề xuất, cụ thể: Tăng mức hỗ trợ cho NLĐ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi (từ 50.000 đồng/tháng/cháu lên mức 100.000 đồng/tháng/cháu LĐN nuôi con dưới 12 tháng tuổi, ngoài chế độ nghỉ ngơi 60 phút mỗi ngày thì được nghỉ thêm 60 phút trong giờ làm việc để vắt sữa, nếu không có nhu cầu mà vẫn làm việc thì công ty tính thêm 100% lương; ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, LĐN được nghỉ và hưởng nguyên lương, hoặc hỗ trợ tiền mặt 300.000 đồng người/ngày.
Phản hồi Công đoàn cơ sở, bà Mai Thị Li, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH AMANN Việt Nam, thống nhất với 2 đề xuất đầu tiên. Về đề xuất thứ ba, bà Li cho biết công ty chuyên sản xuất và cung cấp chỉ may, chỉ thêu chất lượng cao, 50% là LĐN, nếu cho nghỉ việc vào 2 ngày đó thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Vì vậy, công ty sẽ xem xét hỗ trợ cho LĐN nữ 200.000 đồng/người vào dịp 8-3, 20-10.
Chị Trương Thị Bích Chi, công nhân công ty, bày tỏ vui mừng về kết quả của buổi đối thoại. Chị Chi cho hay trước đây công ty hỗ trợ cho LĐN 100.000 đồng vào dịp 20-10, nay được hỗ trợ 2 dịp và số tiền tăng lên khiến các chị cảm thấy rất hào hứng. Bên cạnh đó, chính sách nâng mức hỗ trợ cho LĐN nuôi con nhỏ và tăng thời gian nghỉ ngơi để vắt sữa là rất nhân văn.
Bà Trần Thu Phương, Phó Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá buổi đối thoại đã diễn ra rất thành công, bảo đảm cả nội dung lẫn hình thức. Theo bà Phương, trách nhiệm của Ban Nữ công Công đoàn là phải chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho LĐN. Để triển khai hoạt động này, các quy định trong Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, đã thể hiện rất rõ.
Tuy nhiên, nếu chỉ tuyên truyền luật thì khó có thể triển khai trực tiếp vì Công đoàn chưa nắm rõ cách thức tổ chức. Quảng Nam là địa phương thứ 5 tổ chức chương trình thí điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho LĐN thông qua đối thoại tại nơi làm việc".
"Chủ trương của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, ổn định trong DN. Điều đó đòi hỏi cán bộ Công đoàn phải mềm dẻo, linh hoạt và khôn khéo, hiểu được nguyện vọng chính đáng của NLĐ" - bà Phương lưu ý.
Bình luận (0)