Sáng 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi). Sau khi 25 đại biểu phát biểu thảo luận, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã thay mặt ban soạn thảo tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm.
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo quán triệt, thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với tổ chức Công đoàn.
Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam - tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động - ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia.
Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện vừa qua; có tham khảo và tiếp thu, chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế.
Về gia nhập và hoạt động Công đoàn của người lao động là người nước ngoài, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng hầu hết ý kiến phát biểu đều đồng tình với quy định cho phép người lao động nước ngoài có quyền gia nhập và hoạt động công đoàn Việt Nam phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta.
Để hạn chế những tác động tiêu cực (nếu có) khi cho phép họ gia nhập Công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp cụ thể được thể hiện trong dự thảo luật tại Điều 5 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Về gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức, của người lao động tại doanh nghiệp, dự thảo luật đã quy định mang tính nguyên tắc về hồ sơ, trình tự, thủ tục gia nhập. Trên cơ sở đó, Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn một cách chặt chẽ, cụ thể trong Điều lệ của Công đoàn Việt Nam và văn bản hướng dẫn thực hiện Điều lệ.
Về vấn đề tài chính Công đoàn, bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế theo hướng không quy định trong luật việc phân chia kinh phí công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhằm bảo đảm tính linh hoạt, hài hòa. Đối với nội dung này, cơ quan soạn thảo đồng tình với đề xuất dự thảo luật chỉ mang tính nguyên tắc, việc phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ có các quy định chi tiết của Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn thực hiện.
Về vấn đề kinh phí Công đoàn, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức thu 2%. Trong quá trình soạn thảo cũng đã có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến có liên quan về kinh phí công đoàn. Kinh phí Công đoàn được để lại tại Công đoàn cơ sở hiện hành hiện nay đang là 75% để chăm lo cho người lao động. Thực tế rất hoan nghênh nhiều chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động.
Những vấn đề về doanh nghiệp gặp khó khăn, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã thiết kế tại Điều 30 một điều khoản mới so với Luật Công đoàn (2012), đó là vấn đề miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn.
Bình luận (0)