Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho rằng việc ăn uống thiếu lành mạnh như lạm dụng thức ăn nhanh, ăn quá mặn… có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Bệnh "người lớn" ở trẻ em
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, nếu trẻ thường xuyên ăn quá mặn cũng có thể bị cao huyết áp, thường là cao huyết áp triệu chứng, có thể hết nếu chịu khó giảm cân, ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tránh căng thẳng nhưng bệnh cũng có nguy cơ chuyển thành mạn tính nếu để kéo dài lâu mà không chịu cải thiện.
Trẻ lạm dụng thức ăn nhanh rất dễ dẫn đến béo phì ảnh hưởng đến thành mạch, làm các mạch máu không còn dẻo dai, kéo theo rối loạn chuyển hóa mỡ, rối loạn quá trình chuyển hóa nước - điện giải của thận (vốn giúp ổn định huyết áp) gây cao huyết áp, ngoài ra còn có tiểu đường type 2. Tiểu đường type 2 ở trẻ nhỏ cũng có cơ hội khỏi bệnh nếu chịu thay đổi cách ăn, lối sống, ngược lại nếu kéo dài thì cũng thành mạn tính.
"Ăn mặn còn ảnh hưởng đến sự phát triển xương, cơ thể cần vitamin D hoạt hóa để có thể sử dụng được nguồn canxi nạp vào. Vitamin D chúng ta ăn vào hay tiếp nhận được qua ánh nắng, thuốc bổ chỉ là vitamin D dạng thô. Vitamin D thô đi vào máu, qua gan hoặc thận sẽ được gắn thêm gốc (-OH), từ đó mới thành vitamin D hoạt hóa. Ngoài ra, canxi còn được tái hấp thu ở ống thận trong quá trình chuyển hóa. Ăn mặn làm cho thận quá tải, gây hại cho cả 2 cơ chế nêu trên vì vậy khiến trẻ hấp thu canxi không tốt" - BS Nguyễn Minh Tiến phân tích.
Tập cho trẻ ăn uống lành mạnh từ nhỏ để có sức khỏe tốt. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Học ăn trước cả học nói
Truyền thống bao đời nay của Việt Nam đã nêu rõ "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Đây là những điều căn bản trong cuộc sống mà mỗi người phải học để có được cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế sao cho lịch sự, tế nhị, văn minh.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh một người có chế độ ăn uống lành mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào những gì họ tiếp xúc trong tuổi thơ. Nghiên cứu của Đại học Oregon công bố trên Journal of Public Policy & Marketing cũng khẳng định trẻ nhỏ phát triển sở thích ăn uống dựa trên những gì cha mẹ đã cho ăn từ tấm bé. Nếu thường xuyên tiếp xúc với đồ ăn nhanh từ nhỏ, sau này lớn lên chắc chắn trẻ sẽ "nghiện" thức ăn này. Có thể nói, để con ăn uống lành mạnh, chính cha mẹ cũng phải học cách ăn uống lành mạnh, bởi thói quen ăn uống của bản thân sẽ tác động lớn đến thực đơn mà cha mẹ cho con ăn.
BS Nguyễn Minh Tiến cho biết từ lâu đã có khái niệm "huấn luyện ăn uống" ở trẻ nhỏ. Sự huấn luyện này cần bắt đầu từ khi bé… ăn dặm, đừng bao giờ nghĩ trẻ còn nhỏ không biết gì, mai mốt lớn sẽ tự biết cách ăn lành mạnh. Đứa trẻ được tập cho ăn rau từ nhỏ sẽ không từ chối rau khi lớn hơn, đứa trẻ ăn quá nhiều fast-food (còn gọi là thức ăn nhanh) và nước ngọt thì chắc chắn khi lớn sẽ khó thiếu được nước ngọt trong các bữa ăn, vì cảm thấy như thế mới ngon miệng.
"Vì vậy, ngay từ khi trẻ có thể ăn cháo, phụ huynh cần chịu khó xay vào chén cháo đa dạng các loại đạm (cá, thịt, hải sản, đậu…) và các loại rau, đừng quên một muỗng dầu (tốt nhất là dầu hướng dương) và bổ sung trái cây" - BS Tiến khuyên.
Những điều cha mẹ cần lưu ý
Một nghiên cứu của Đại học bang Kansas (Mỹ) đã đưa ra các lưu ý cho các bậc cha mẹ: không dùng thức ăn như phần thưởng cho trẻ; cha mẹ chủ động ăn rau và các thức ăn lành mạnh để con bắt chước; không ăn khi xem tivi, sử dụng máy tính, điện thoại; không bắt trẻ ăn kiêng khi thừa cân mà nên ăn vừa đủ nhưng lành mạnh hơn, kèm hoạt động thể chất; trồng rau tại nhà (nếu có điều kiện) vì trẻ thích ăn rau do mình thu hoạch...
Bình luận (0)