Tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Đề xuất mở rộng đối tượng tài xế xe công nghệ, người giao hàng online (shipper) tham gia BHXH bắt buộc đang nhận được nhiều sự quan tâm.
Nhiều thiệt thòi, rủi ro
Anh Nguyễn Thanh Hoàng (TP Thủ Đức, TP HCM) gia nhập lực lượng tài xế xe công nghệ từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Thời điểm đó, anh Hoàng đến điểm đăng ký của hãng gọi xe Grab để làm thủ tục, bao gồm xuất trình giấy tờ cá nhân, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy khám sức khỏe. "Từ đó đến nay, tôi chưa từng thấy "mặt mũi" cái hợp đồng lao động (HĐLĐ)" - anh Hoàng nói.
Một tài xế khác ở quận 8 (TP HCM) phản ánh đã chạy Grabbike hơn 5 năm nhưng chưa được hưởng phúc lợi gì từ hãng xe công nghệ. "Tôi không có lương, thưởng, không được đóng bảo hiểm. Khi ốm đau, bệnh tật không chạy xe được thì còn bị hãng đánh giá về mức độ chuyên cần, kéo thu nhập giảm xuống. Tôi cũng không được giữ giấy đăng ký làm đối tác tài xế mà phía hãng xe giữ" - tài xế này cho biết.
Về phía hãng xe, đa phần đều xác nhận không ký HĐLĐ mà chỉ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh cung cấp dịch vụ vận tải hành khách. Hãng xe Gojek cho rằng đây là mô hình mới, chưa có quy định rõ ràng nên hãng chỉ ký thỏa thuận hợp tác với tài xế và chi trả bảo hiểm tai nạn. Trong khi đó, phía Grab chưa có phản hồi cụ thể về vấn đề này.
Ông Lê Tấn Lưu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm công nghệ quận Bình Tân (TP HCM), cho rằng đưa đối tượng tài xế xe công nghệ hoặc lao động trên nền tảng công nghệ vào nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc là hợp lý. Ông Lưu phân tích: Theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019, tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp (DN) thì về bản chất là tồn tại quan hệ lao động. Trong đó, hai bên lựa chọn hình thức thanh toán tiền lương căn cứ vào kết quả công việc và có sự điều hành giám sát qua thông qua ứng dụng (app) do DN quản lý.
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, dù hợp đồng giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động có nhiều tên gọi khác nhau nhưng khi có các dấu hiệu như thỏa thuận trả công, trả lương, chịu sự quản lý điều hành của một bên... thì vẫn được xác định là HĐLĐ. Ở đây đã có đủ dấu hiệu xác định quan hệ giữa tài xế và hãng xe công nghệ là quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động.
Ủng hộ, nhưng...
Ủng hộ việc tham gia BHXH bắt buộc nhưng anh Nguyễn Văn Minh, tài xế xe ôm công nghệ, băn khoăn vì hợp đồng với hãng gọi xe là hợp đồng hợp tác, ăn chia theo tỉ lệ, không có mức lương cố định. Vậy khi tham gia BHXH bắt buộc thì căn cứ vào nền lương nào; tỉ lệ trích nộp của NLĐ ra sao, đối tác có phải trích nộp không...?
Luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng việc tài xế xe công nghệ phải làm việc tromg môi trường rủi ro, chịu nhiều thiệt thòi cho thấy họ là bên yếu thế trong quan hệ lao động 3 bên gồm DN, đối tác tài xế và khách hàng. "Tôi ủng hộ đưa đối tượng này vào diện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu sâu và rộng để tìm hiểu rõ điều kiện việc làm, nhu cầu, trở ngại, qua đó tăng cường nhóm này tham gia vào các chương trình an sinh xã hội. Đồng thời, cũng nên có quy định khuyến khích đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ các tài xế tham gia các chế độ an sinh xã hội của nhà nước, đặc biệt là BHXH, BHYT" - luật sư Đức nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho rằng cơ quan chức năng, DN cần quan tâm hơn đến việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Trong đó, bản thân các công ty công nghệ cũng cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ tài xế một cách phù hợp.
Trong khi đó, theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên), hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa quy định NLĐ ở khu vực kinh tế tự do nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc áp dụng BHXH bắt buộc đối với những đối tượng này. Trong lúc tìm kiếm giải pháp hợp lý, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang nỗ lực tháo gỡ một số rào cản nhằm làm cho loại hình BHXH tự nguyện trở nên hấp dẫn hơn. "Cần giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng NLĐ tự do vừa xây dựng được cơ sở pháp lý phù hợp cho các mô hình kinh tế mới mà không làm triệt tiêu lợi ích của những mô hình này" - đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến.
Nhiều nước xem tài xế công nghệ là nhân viên
Tại Anh, các công ty gọi xe như Uber là nhà cung cấp dịch vụ vận tải và tài xế được xem là NLĐ tự do. Tuy nhiên, năm 2021, Tòa án Tối cao Anh đã ra phán quyết rằng tài xế xe công nghệ phải được đối xử như nhân viên. Theo đó, họ được hưởng một số quyền lợi cơ bản như lương tối thiểu, chế độ nghỉ phép và bảo hiểm.
Tương tự, tại Tây Ban Nha, luật pháp quy định tài xế xe công nghệ phải được ký HĐLĐ với mức lương tối thiểu, bảo hiểm an toàn xã hội và hưởng các quyền lợi khác. Tại Mỹ, năm 2021, chính quyền TP New York đã ban hành luật yêu cầu các công ty gọi xe tăng lương cho tài xế lên mức tối thiểu 17,23 USD/giờ và bảo đảm một số quyền lợi khác như BHYT, trợ cấp nghỉ phép. Tài xế xe công nghệ ở Hàn Quốc cũng được xem là nhân viên và được hưởng đầy đủ quyền lợi.
Đề xuất thêm nhiều đối tượng đóng BHXH
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) còn đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với giáo viên nhóm trông trẻ, dược sĩ của các nhà thuốc tư nhân, người bán hàng online...
Chị Nguyễn Thị Lan Chi, bán đặc sản miền Tây trên mạng, cho hay nếu kinh doanh tốt, thu nhập ổn định thì với việc tham gia BHXH bắt buộc, chị sẽ được thụ hưởng chính sách chăm lo. Tuy nhiên, thu nhập từ bán hàng trên mạng rất bấp bênh, nếu cả 2 vợ chồng cùng tham gia thì rất khó.
Chị Huỳnh Ngọc Bích Sơn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Giáo viên mầm non phường 7 (quận 8, TP HCM), băn khoăn về tỉ lệ đóng BHXH. "Nếu chỉ đóng với tỉ lệ 10,5% giống như NLĐ làm việc tại DN thì chúng tôi sẵn sàng tham gia, còn đóng 25% thì nằm ngoài khả năng" - chị Sơn nói.
Trong khi đó, một dược sĩ tại nhà thuốc tư nhân N.S (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết chị không tham gia BHXH bởi sau khi thỏa thuận với chủ về chi phí, số tiền chị phải đóng khá cao. Dược sĩ này hy vọng đề xuất trong dự thảo luật được thông qua để chị được bảo đảm quyền lợi tốt hơn.
Bình luận (0)