So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung 4 nhóm chính sách: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách BHTN là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.
Không khó nhận diện những điểm nghẽn của Luật Việc làm sau gần 9 năm triển khai thực hiện. Đơn cử như đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động; các chế độ còn nặng về giải quyết TCTN, chưa chú ý nhiều đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; quy định điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề khá chặt chẽ; chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học, chưa chú trọng đào tạo, phát triển hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề…
Việc sửa đổi Luật Việc làm được đánh giá là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất NLĐ.
Tại các buổi góp ý về dự luật này, các chuyên gia lao động cho rằng để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, ngoài dự báo những thách thức đặt ra trong giai đoạn tới, cần nghiên cứu bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển việc làm bền vững, việc làm có giá trị cao. Ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện các quy định, làm rõ chính sách hỗ trợ phát triển các thị trường lao động đặc thù, nhất là phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người cao tuổi, thị trường lao động trình độ cao.
Song song đó nên bổ sung đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn; sửa đổi quy định về đối tượng không được hưởng TCTN; bổ sung nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp; rà soát, bảo đảm tính khả thi của quy định về đăng ký lao động, bảo đảm sự liên thông giữa đăng ký lao động, thông tin thị trường lao động.
Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ nội dung dự thảo luật với các luật khác như: Bộ Luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Người cao tuổi; Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tránh chồng chéo và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hơn ai hết, NLĐ mong muốn Luật Việc làm sẽ được hoàn thiện với mục tiêu tối ưu hóa chính sách BHTN, việc làm, góp phần bảo đảm quyền lợi cho NLĐ trong mọi tình huống. Không chỉ tập trung vào giải quyết các bất cập về cơ hội việc làm của NLĐ hiện tại, mà còn phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ thông qua việc hỗ trợ tìm việc làm, nâng cao tay nghề và mở rộng các chính sách an sinh xã hội trong tình hình mới.
Bình luận (0)