Người lao động (NLĐ) có việc làm và thu nhập bình quân tháng đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp trong độ tuổi lao động cũng giảm, mang lại những tín hiệu lạc quan cho thị trường lao động.
Ghi nhận tại TP HCM và TP Hà Nội, hoạt động tuyển dụng diễn ra sôi động trong thời gian gần đây. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, trong tháng 9 vừa qua, đơn vị đã tiếp nhận 8.813 người đến đăng ký tìm việc và 10.097 vị trí tuyển dụng từ các doanh nghiệp (DN). Trong đó, số lượng tuyển dụng cao nhất là lao động phổ thông (5.686 vị trí), kế đến là da giày, may mặc (1.289 vị trí) và thực phẩm, đồ uống (1.124 vị trí). Đáng chú ý, đa phần các DN không tuyển đủ số lượng đề ra.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội, cho biết từ tháng 8 đến tháng 9, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN đã tăng đáng kể so với trước. "Nguyên nhân là do cuối năm có nhiều sự kiện, lễ lớn và các DN cần hoàn thành các đơn hàng, kế hoạch hoạt động, cũng như giải quyết những công việc phát sinh, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh" - ông Thành nói.
Dự báo từ nay đến cuối năm, 3 nhóm ngành có xu hướng tuyển dụng tăng mạnh tại Hà Nội, gồm: dịch vụ - thương mại với nhu cầu cao về lao động tại các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại và công ty giao nhận để đáp ứng đơn hàng của khách; chế biến - chế tạo; công nghệ thông tin. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao cũng ngày càng tăng.
Bà Phạm Thị Phương Khanh, Giám đốc marketing Navigos Group, đánh giá tuy chất lượng nguồn nhân lực đang dần được cải thiện, lao động đã qua đào tạo và có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,5% vào quý III nhưng thị trường lao động vẫn chưa phát triển bền vững. Còn hơn 37 triệu lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên đang là rào cản trên thị trường lao động, khi các DN ngày càng có nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao và qua đào tạo.
Đây là thách thức không nhỏ trong các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của Chính phủ, trong đó có nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy, cần có chiến lược mạnh mẽ hơn về đào tạo nghề và nâng tỉ lệ lao động có tay nghề được cấp văn bằng chứng chỉ. "Đặc biệt, cả DN và NLĐ cần hiểu rằng thời đại công nghệ đang xâm lấn mọi ngành nghề, nên việc sở hữu kỹ năng công nghệ sẽ là then chốt trong nhóm kỹ năng công việc hiện nay" - bà Khanh nhấn mạnh.
Bình luận (0)