Ngày 18-10, hội nghị tiếp xúc cử tri góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội và LĐLĐ TP HCM tổ chức đã diễn ra tại quận Bình Tân và TP Thủ Đức, TP HCM. Hội nghị thu hút 600 cán bộ Công đoàn, người lao động (NLĐ) tham gia.
Thời gian hưởng tính theo số tháng đóng
Góp ý cho dự thảo Luật Việc làm, bà Hoàng Thị Thủy, công nhân (CN) Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Thủ Đức (TP Thủ Đức), cho rằng hiện nay có NLĐ gần đủ tuổi nghỉ hưu xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) 12 tháng, sau đó mới làm hồ sơ hưởng chế độ hưu trí.
Tình trạng này gây ảnh hưởng đến người sử dụng lao động vì sẽ phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người nghỉ việc. Trong khi đó, hằng tháng doanh nghiệp (DN) phải trích 1% quỹ tiền lương tháng để đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ. Để bảo đảm quyền lợi cho DN và NLĐ an tâm làm việc lâu dài, bà Thủy đề xuất cần có quy định về mức hỗ trợ đối với NLĐ tham gia BHTN đến tuổi nghỉ hưu hoặc thân nhân của khi họ gặp rủi ro về việc làm.
Cùng góc nhìn, bà Hoàng Thị Tú Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hoàng Lam (TP Thủ Đức), nhìn nhận khi tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào, người tham gia cần thấy được quyền lợi tối thiểu của mình. Do đó, cần thiết có mức hỗ trợ đối với NLĐ "cả đời không thất nghiệp" để họ không cảm thấy thiệt thòi vì có đóng mà không có hưởng khi tham gia BHTN.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân), cũng kiến nghị nên bỏ quy định NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc không được hưởng TCTN (điểm d, khoản 1 điều 94 dự thảo Luật Việc làm). Thay vào đó, nên quy định cho NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu được nhận 30% mức hưởng TCTN nhưng không quá 18 tháng, bao gồm cả thời gian đã nhận BHTN trước đó để khuyến khích NLĐ an tâm làm việc, tham gia BHTN lâu dài.
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế tình trạng NLĐ "lách luật", cứ làm đủ 12 tháng thì xin nghỉ việc để hưởng 3 tháng TCTN, ông Sơn cho rằng thời gian hưởng nên được tính theo số tháng đóng BHTN. Cụ thể, NLĐ cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1,5 tháng TCTN. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa một đợt hưởng không quá 12 tháng, cộng dồn không quá 18 tháng.
"Cần xem xét quy định tiền lương tháng đóng BHTN cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng BHTN nhưng mức hưởng lại không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng để bảo đảm sự tương xứng giữa mức đóng và hưởng" - ông Sơn đề xuất.
Chia sẻ khó khăn với người lao động
Liên quan đến quy định NLĐ được hưởng TCTN tối đa không quá 12 tháng, thời gian đóng dư (quá 144 tháng đóng) không được bảo lưu tại dự thảo Luật Việc làm, ông Lê Hùng Tín, CN Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu không khống chế thời gian hưởng tối đa 12 tháng mà kéo dài hoặc cho NLĐ hưởng theo số năm đóng BHTN thực tế.
Điều này sẽ tạo sự công bằng và thể hiện sự chia sẻ khó khăn với NLĐ. Bởi thực tế cho thấy trong số những NLĐ đóng BHTN trên 12 năm có rất nhiều người trên 40 tuổi. Sau khi nghỉ việc hoặc bị DN cắt giảm họ rất khó tìm được việc làm ổn định, cuộc sống rất vất vả.
Ông Phạm Văn Có, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP May Sài Gòn 3 (TP Thủ Đức), cho rằng việc không tính hưởng TCTN đối với thời gian đóng BHTN trên 144 tháng sẽ dẫn đến tình trạng NLĐ tìm cách để "bớt thiệt". NLĐ sẽ nghỉ việc khi đạt đến ngưỡng hưởng mức tối đa 12 tháng, gây xáo trộn thị trường lao động; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN khi mất đi những NLĐ làm việc có kinh nghiệm, tay nghề hoặc xảy ra tình trạng NLĐ thỏa thuận với DN trốn đóng để trục lợi chính sách.
Do đó, luật nên cho phép NLĐ được đóng và hưởng TCTN đối với thời gian đóng trên 144 tháng. "Hiện có một bộ phận NLĐ bị treo quyền lợi về BHTN do DN giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn… Pháp luật cần có giải pháp khả thi tháo gỡ tình trạng này để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ" - ông Có nói.
Ông Lê Văn Lắm, CN Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, đề xuất bỏ quy định NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật không được hưởng TCTN. Bởi lẽ, Bộ Luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người sử dụng lao động. Vì vậy, không được hưởng BHTN trong trường hợp này là không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Còn theo ông Phan Hoàng Dũng, CN Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, đời sống của hầu hết NLĐ hiện nay còn nhiều khó khăn do thu nhập thấp, nhất là NLĐ đang hưởng BHTN, chưa tìm được việc làm càng khốn khó hơn. Do đó, ông Dũng kiến nghị nâng mức hưởng TCTN từ 60% lên 75% nhằm góp phần bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho NLĐ khi không có việc làm.
"Trong quá trình làm việc, NLĐ đóng 1% tiền lương tháng vào quỹ BHTN. Do vậy, khi đến tuổi hưu, NLĐ cần được nhận khoản TCTN một lần tương tự như chế độ BHXH một lần" - ông Đặng Huy Cường, cán bộ Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân), góp ý.
Bình luận (0)