Dự luật được thông qua với số phiếu áp đảo, 356 phiếu thuận và 70 phiếu chống, trong đó 127 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ. Một khi dự luật qua ải Thượng viện, dự kiến là trong tuần này, nó sẽ được trình ký lên Tổng thống Donald Trump.
Triều Tiên đã không phóng tên lửa gần 2 tháng qua. Ảnh: KCNA
Dự luật quốc phòng cho năm 2018 này phân bổ 634 tỉ USD cho các hoạt động nòng cốt của Lầu Năm Góc như mua vũ khí, trả lương và cung cấp gần 66 tỉ USD để chi tiêu cho các chiến dịch quân sự tại Afghanistan, Iraq, Syria cùng một số nơi khác.
Theo những người ủng hộ dự luật, khoản tiền trên cho phép tăng lương cho binh sĩ và tăng cường chi tiêu cho việc mua các chiến đấu cơ, tàu, vũ khí cần thiết để chặn đứng sự suy giảm trong sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Cụ thể, lương của binh lính Mỹ sẽ tăng 2,4% theo dự luật, cao hơn một chút so với mức lương tăng do Lầu Năm Góc đề xuất.
Đáng chú ý, dự luật quốc phòng dành riêng 12,3 tỉ USD cho Cơ quan Quốc phòng tên lửa của Lầu Năm Góc và yêu cầu xây dựng năng lực phòng thủ tên lửa quốc gia nhanh hơn giữa lúc Bình Nhưỡng từ chối kiềm chế phát triển năng lực tên lửa hạt nhân nhằm tấn công Mỹ.
Tổng thống Trump trước khi lên máy bay ở Philippines để về nước hôm 14-11. Ảnh: New York Times
Trong khi đó, giữa lúc lo ngại nổi lên về sự khó lường của Tổng thống Trump, Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện Mỹ hôm 14-11 đã xem xét câu hỏi liệu tổng thống có nên có quyền duy nhất ra lệnh tấn công hạt nhân.
Phiên thảo luận được dẫn dắt bởi ông Chris Murphy, một nghị sĩ Cộng hòa hay chỉ trích ông Trump. Còn ông Bob Corker, chủ tịch ủy ban nói trên, cảnh báo: "Một khi lệnh được đưa ra, sẽ không có cách nào đảo ngược". Theo ông Corker, đây là phiên điều trần đầu tiên về chủ đề này kể từ năm 1976.
Phiên điều trần tương đối hiếm thấy tại ủy ban nói trên diễn ra sau khi ông chủ Nhà Trắng đe dọa Triều Tiên bằng vũ lực quân sự, trong đó có tuyên bố sẽ trút "lửa và cuồng nộ" lên Bình Nhưỡng.
Quyền phát động tấn công hạt nhân vẫn ở lại trong Nhà Trắng kể từ khi Tổng thống Harry Truman ra lệnh trút hai quả bom nguyên tử xuống TP Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) trong Thế chiến II. Trên thực tế, một phụ tá quân sự thường xuyên mang theo chiếc va li đen theo sát tổng thống Mỹ, thường được gọi là vali hạt nhân, trong đó chứa các lựa chọn tấn công và các thông tin cần thiết khác trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Một vấn đề khác cũng đang được bàn cãi là định nghĩa về "mối đe dọa tức thời" - cơ sở để tổng thống Mỹ kích hoạt một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân.
Bình luận (0)