Tổng thống đắc cử Donald Trump sau đó đổ thêm dầu vào lửa khi cáo buộc Trung Quốc đánh cắp thiết bị trên tài khoản Twitter. Ông Trump từng nói rằng sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong chính sách kinh tế và quân sự.
Trong khi Lầu Năm Góc nói sẽ bàn thảo để lấy lại chiếc UUV, Trung Quốc đang tính cách giải quyết thích hợp nhưng cáo buộc Washington thổi phồng vấn đề.
Tờ Nhân dân Nhật báo xem tàu lặn Mỹ chẳng khác gì “kẻ phạm tội” khi do thám ở biển Đông. “Tàu lặn không người lái này xuất hiện ở biển Đông là phần nổi của tảng băng trôi trong chiến lược quân sự của Mỹ, trong đó bao gồm đối sách với Trung Quốc” - tờ báo viết.
Phía Mỹ nói chiếc UUV hoạt động hợp pháp cách vịnh Subic của Philippines 50 hải lý, với mục đích thu thập dữ liệu về thời tiết, nước biển... Tuy nhiên, giáo sư Trương Hoàng của Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc cho rằng thiết bị của Mỹ có thể được dùng để thu thập dữ liệu về vị trí và hoạt động tàu ngầm hạt nhân cũng như mọi hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông.
“Ngay khi tàu không người lái này đi vào vùng biển của chúng ta, nó có thể thu thập tất cả các loại thông tin về các tuyến tàu ngầm của hải quân Trung Quốc, từ đó đe dọa nghiêm trọng an ninh hải quân của chúng ta” - ông Trương nói.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 19-12 cho rằng Trung Quốc cần giải thích việc thu giữ UUV của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hồi tuần trước.
“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần giải thích rõ vấn đề này trước cộng đồng quốc tế, trong đó nêu rõ cơ sở pháp lý cho hành động thu giữ UUV” - ông Yoshihide Suga nói tại một cuộc họp báo.
USNS Bowditch, con tàu Mỹ điều khiển chiếc UUV, cũng bị Nhân dân Nhật báo gọi là "tội đồ hàng loạt". Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tàu USNS Bowditch liên quan đến các sự cố trong năm 2001 và năm 2002, khi nó bị các tàu của hải quân Trung Quốc theo dõi trong khi hoạt động trong vùng biển Hoàng Hải. USNS Bowditch cũng có mặt ở eo biển Đài Loan.
Theo ông Nghê Nhạc Hùng, chuyên gia hải quân thuộc trường ĐH Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, sự cố mới đây nhỏ hơn nhiều so với các sự cố trước đó và sẽ không làm ảnh hưởng đến tổng thể mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ.
Trong khi đó, một số nhà quan sát nhận định nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ yêu cầu Washington giảm tần suất giám sát biển Đông để đổi lấy việc trao trả chiếc UUV nói trên. Chuyên gia nghiên cứu ngoại giao Mỹ tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, ông Nguyên Chính, nhận định hành động tịch thu tàu lặn tự hành cho thấy Bắc Kinh không hài lòng trước hoạt động trinh sát tầm gần của Mỹ trên biển Đông.
Theo chuyên gia Trương Triết Hân tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, Mỹ sẽ chỉ nhận lại được tàu lặn tự hành sau 10 ngày kể từ khi bị phía Trung Quốc tịch thu.
“Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ sẽ tăng cường hành động trên biển Đông trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng. Do đó, Bắc Kinh có thể sẽ thảo luận với Mỹ về các quy tắc nhằm tránh những va chạm không mong muốn trên biển bao gồm các thiết bị lặn tự hành” - ông Trương nói.
Bình luận (0)