Không những thế, hành động sai trái trên tiếp tục khiến dư luận quốc tế lo ngại về nguy cơ Bắc Kinh quân sự hóa vùng biển này bất chấp lời kêu gọi kiềm chế từ Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Theo giới chuyên gia phân tích quốc phòng Úc, động thái này có khả năng được Trung Quốc tính toán thực hiện trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ, cũng như chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Úc Julie Bishop. Nhiều ngày qua, lực lượng quốc phòng Úc đã theo dõi hoạt động vận chuyển trang thiết bị của Trung Quốc ở biển Đông và những gì diễn ra khiến họ không khỏi lo ngại.
Giới lãnh đạo quân sự Úc xem đây là bước đi khiêu khích có chủ ý. Một nguồn tin quốc phòng cấp cao nói với ABC: “Nếu Trung Quốc chỉ triển khai các vũ khí đất đối đất thì đó là một chuyện, nhưng việc triển khai tên lửa đất đối không lại là một chuyện hoàn toàn khác”.
Một chuyên gia về biển Đông cho rằng đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa vũ khí tới Hoàng Sa. Ảnh: REUTERS
Tiến sĩ Euan Graham thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy (Úc) cũng coi đây là động thái leo thang căng thẳng dù bản thân ông không quá ngạc nhiên với điều này. “Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã triển khai các phi đội máy bay tiêm kích. Nếu đã triển khai máy bay ở đó thì bước đi phù hợp tiếp theo là đặt các tên lửa đất đối không để bảo vệ máy bay”.
Tương tự, bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về biển Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cho biết đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa vũ khí tới Hoàng Sa. Dẫu vậy, bà đánh giá việc điều động tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm vẫn là một diễn biến đáng chú ý, có thể là hành động phản ứng các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông.
Bình luận (0)