Trong báo cáo phục vụ chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 29-9 tới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường (TN-MT) đang giảm dần về số lượng.
Theo đó, những năm gần đây, trung bình mỗi năm Bộ TN-MT nhận được khoảng 4.000 lượt đơn, thư khiếu nại, tố cáo; giảm hơn một nửa so với trước đây. Trong số các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, khoảng 98% thuộc về lĩnh vực đất đai. Đáng lưu ý, đến 61% đơn thư gửi đến bộ này do công dân gửi nhiều lần, nhiều nơi khác nhau. Ngoài ra, 80% đơn, thư khiếu nại vượt cấp và chỉ khoảng 2% vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ.
Thống kê mới đây của Bộ TN-MT cũng cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2014, cơ quan này tiếp nhận 1.711 lượt đơn khiếu nại, tố cáo; bằng khoảng 98,38% so với cùng kỳ năm 2013. Hơn 1.670 đơn trong số này thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm hơn 97,8%. Bộ cũng đã tiếp 169 lượt với tổng số 719 người đến yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó, có 25 lượt đoàn khiếu nại đông người, chủ yếu tại TP Hà Nội.
Về tính chất khiếu nại, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đánh giá các vụ việc vẫn gay gắt và phức tạp. Nhiều vụ việc đông người, kéo dài nhiều năm như khiếu nại, tố cáo của các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện dự án khu đô thị thương mại - du lịch Văn Giang (Hưng Yên); dự án của Tập đoàn Vinashin (Hải Dương); khiếu nại của các hộ dân phường Dương Nội, quận Hà Đông và xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Nhiều đối tượng đã kích động, lôi kéo người đi khiếu nại, gây rối, tập trung đông người làm mất trật tự tại trụ sở cơ quan trung ương...
Phân tích nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo của người dân trong lĩnh vực đất đai, báo cáo chỉ ra công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi còn thiếu quyết liệt. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu, tinh thần trách nhiệm thiếu, chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, thậm chí có thể có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời. Cuối cùng, theo báo cáo, nguồn nhân lực làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai vừa thiếu vừa yếu, tình trạng này tồn tại ở cả cấp trung ương và địa phương.
Bình luận (0)