Tiếp theo thông tin trên, trong ngày 5-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo về việc tổ chức tuần lễ giới thiệu nông sản an toàn; TP HCM mở hội thảo an toàn thực phẩm trong trường học. Và thời gian ngắn qua, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại nhiều địa phương. Những vụ việc trên đặt gần nhau đã tạo thành mối liên hệ rõ ràng từ nguyên nhân, hậu quả và phản ứng của các cơ quan chức năng. Đáng ngại, trong mối liên hệ trên vẫn còn thiếu sự quyết liệt trong việc truy nguồn gốc và biện pháp mạnh mẽ để ngăn thực phẩm bẩn.
Phát hiện và tiêu hủy sản phẩm bẩn chỉ là chuyện sự vụ. Người làm thực phẩm bẩn và tung ra thị trường đã không bị ngăn chặn nên nguy cơ vẫn còn. Đã phát hiện nhưng không xử lý nặng để răn đe thì cũng không có nhiều tác dụng. Nhiều sở, ngành cùng “quản” về vấn đề này nên mọi việc cứ hời hợt vì không cụ thể được trách nhiệm của ai, cơ quan nào. Chưa đi kiểm tra thì cơ sở sản xuất đã rõ, không ngăn chặn được người làm ăn bất lương cũng chẳng ai bị xử lý. Chỉ khổ người dân, lo sợ, bất an cho sức khỏe của mình và người thân nhưng khó có cách nào phòng tránh. Thậm chí, nhiều người chấp nhận may rủi trong việc ăn uống hằng ngày bởi không thể làm khác. Sức khỏe, tính mạng của người dân bị xem nhẹ vậy sao?.
Sự nguy hại của thực phẩm bẩn không hề xa vời. Chỉ có cách quản lý, ứng phó với nó mới xa vời mà thôi. Nó luôn hiện diện trong mỗi bữa ăn của từng gia đình, âm thầm đi vào cơ thể của từng đứa trẻ thơ ngây, ngày qua ngày phá hủy từng cơ quan nội tạng. Chúng ta liệu có hời hợt, lảng tránh thực tế này? Liệu có vô tâm, lờ đi trách nhiệm để cuối cùng tất cả mọi người phải nhận hậu quả?
Mô hình quản lý thực phẩm đang được nhiều nước như Mỹ, Đức, Singapore... thực hiện rất hiệu quả. Cơ quan quản lý vấn đề này hoàn toàn độc lập, tách biệt hẳn với cơ quan quản lý nhà nước. Cơ chế này cho họ rộng quyền, hoạt động mạnh mẽ mà không bị cản trở bởi những thủ tục hành chính, thậm chí cả những vấn đề tiêu cực. Mô hình này không quá phức tạp, ngay chính những người làm trong ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam đã từng học hỏi kinh nghiệm. Vừa qua, UBND TP HCM đã có đề án thành lập cơ quan quản lý chuyên về an toàn vệ sinh thực phẩm theo mô hình của Mỹ. Dự kiến, đề án này sẽ sớm được trình Chính phủ trong tháng 5-2016.
Đây là tin vui nhưng như thế là chưa đủ. Bao địa phương khác đang vất vả chống chọi với thực phẩm bẩn, người dân cũng hoang mang lo ngại trong khi chính quyền địa phương chưa có phương án ngăn chặn hữu hiệu. Trong khi các cơ quan chức năng còn loay hoay hô hào, cán bộ chức trách còn tìm kiếm thì bao con người phải ăn chất độc hằng ngày.
Bình luận (0)