Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà vừa ký quyết định thí điểm chương trình thu hút nhân tài trong lĩnh khoa học, công nghệ. Bốn đơn vị đầu tiên của TP sẽ thí điểm chương trình này là Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ Tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học.
Hàng loạt ưu đãi
“Nếu được tuyển dụng, các chuyên gia sẽ nhận nhiều chế độ ưu đãi về lương, phụ cấp và đi lại. Mức lương dựa theo thỏa thuận giữa chuyên gia với thủ trưởng các đơn vị, cộng thêm các khoản khác có thể lên đến 150 triệu đồng/tháng. Số tiền chi trả lấy từ ngân sách nhà nước” - ông Lê Mạnh Hà cho biết. Bên cạnh đó, chuyên gia được hỗ trợ kinh phí tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong và ngoài nước.
Nếu là người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, thị thực xuất nhập cảnh, đăng ký cư trú (được giới thiệu đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét cấp thị thực Việt Nam dài hạn và có giá trị xuất nhập cảnh nhiều lần; được trình báo tạm trú như công dân trong nước hoặc cấp thẻ tạm trú…) cho bản thân hoặc thành viên gia đình; được chuyển đổi ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam hoặc các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà, các chuyên gia còn được bố trí nhà ở công vụ (đối với đơn vị có nhà ở công vụ) hoặc tạo điều kiện thuận lợi để mua nhà, ổn định chỗ ở; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho vợ hoặc chồng tại các đơn vị thuộc TP nếu có nhu cầu và chuyên môn phù hợp; con cái được tạo điều kiện học tập.
Các chuyên gia cũng nhận những chính sách ưu đãi khác như: đối với chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, được tạm nhập miễn thuế một ô tô cá nhân (sử dụng cho mục đích đi lại) và các trang thiết bị, đồ dùng tiện ích trong nhà phục vụ cho công việc và sinh hoạt; được nhập khẩu miễn thuế các tài sản theo danh mục hàng hóa, hành lý tư trang với mục đích sử dụng cho cá nhân và gia đình theo quy định của pháp luật.
“Chuyên gia còn được khen thưởng và vinh danh xứng đáng với những kết quả, cống hiến cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của TP” - ông Hà nói.
“Cởi trói” cho đơn vị thụ hưởng
PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, đánh giá: “Đây là một quyết định rất tốt của UBND TP bởi nó “cởi trói” cho thủ trưởng các đơn vị khoa học và công nghệ trong việc thu hút nguồn nhân lực làm khoa học, công nghệ”.
Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, trước đây, Khu Công nghệ cao TP đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực nhưng rất khó thực hiện do thủ trưởng đơn vị chưa được quyền tự quyết hoàn toàn trong việc triển khai các chính sách ưu đãi. Với chính sách này, thủ trưởng các đơn vị khoa học và công nghệ đã được rộng đường trong việc ra các quyết định, chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, nhất là nhân lực ngoài nước.
“Thủ trưởng đơn vị làm khoa học và công nghệ sẽ chủ động hơn trong việc đề ra các chính sách ưu đãi nhân lực sao cho phù hợp nhất với đơn vị của mình” - PGS-TS Lê Hoài Quốc nhìn nhận.
TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM, cho biết trung tâm rất tích cực đào tạo, thu hút nguồn nhân lực nhưng tình trạng cán bộ trẻ làm việc tại đây một thời gian rồi ra đi, bỏ việc hoặc chuyển công tác diễn ra hằng năm.
“Sự mất mát này có nguyên nhân chính là do thu nhập của cán bộ khoa học thấp, không đủ bảo đảm đời sống. Biến động liên tục về nhân sự do cán bộ khoa học nghỉ việc, chuyển công tác cũng như thiếu cán bộ đầu đàn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học” - TS Dương Hoa Xô phân tích.
Ông Xô đưa ra một loạt nguyên nhân khác như cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, lương và thu nhập cũng cản trở việc thu hút, giữ chân và khuyến khích cán bộ khoa học cống hiến hết mình. Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật, phòng thí nghiệm phục vụ cho nghiên cứu khoa học còn quá thiếu thốn. Vì vậy, rất cần các chính sách ưu đãi về nhân lực để vừa có thể thu hút nhân lực chất lượng cao vừa “giữ chân” được họ, góp phần vào sự phát triển của khoa học, công nghệ TP.
Những điều kiện bắt buộc
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà, để được tuyển dụng vào chương trình này, chuyên gia phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực tham gia hoạt động khoa học và công nghệ; có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc đã được nghiệm thu, sáng chế được công nhận hoặc được giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ; đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế...
Ngoài tiêu chuẩn theo quy định, chuyên gia phải có sức khỏe phù hợp; không vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước cư trú của người Việt Nam ở nước ngoài; không bị ràng buộc về công việc, pháp lý đối với một tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bình luận (0)