Lâu nay, không ít trạm thu phí BOT của dự án này nhưng lại đặt trên tuyến đường khác, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường nhưng vẫn phải trả phí. Trạm thu phí Bến Thủy là một điển hình.
Mặt trái không chỉ dừng lại ở đấy. Việc xây dựng và khai thác các công trình BOT giao thông thời gian qua còn gây ra nhiều bức xức trong nhân dân, như làm tăng giá cước vận tải; thu phí không đúng dự án đầu tư, thu bù cho các dự án khác; thu “ăn gian” bằng việc kéo dài thời gian thu...
Bên cạnh đó, theo quy định, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây mới tuyến đường nhưng hầu hết các dự án BOT không làm như vậy mà chỉ nâng cấp, cải tạo đường hiện hữu. Thậm chí nhiều dự án được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác.
Chưa hết, phần lớn các dự án BOT được thực hiện chủ yếu do nguồn vốn vay từ ngân hàng, nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh. Như vậy, về bản chất, bảo lãnh của Chính phủ sẽ tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công. Trách nhiệm cuối cùng của khoản vay vẫn thuộc về nhà nước, không đúng với mục đích ban đầu là chuyển dịch trách nhiệm này cho tư nhân.
Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội là chủ trương đúng nhưng việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT thời gian qua do phát triển quá “nóng” khiến cơ quan quản lý luôn “theo đuôi”. Đến nay, chính sách về đầu tư, thu phí vẫn diễn ra trong một cơ chế lờ mờ, chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong thẩm định dự án BOT giao thông mà thả nổi cho nhà đầu tư tự thực hiện.
Tất nhiên, khi vai trò quản lý của cơ quan chức năng không theo kịp, công tác quản lý hoạt động thu phí bị buông lỏng thì sẽ lộ kẽ hở, nhà đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận nên bất chấp tất cả, miễn sao thu càng nhiều càng tốt. Yếu tố bảo đảm được sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân đã bị tước bỏ.
Thiếu minh bạch cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bức xúc của người dân. Bởi lâu nay, công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT giao thông chủ yếu là chỉ định thầu, không thực hiện đấu thầu công khai, rộng rãi. Hình thức này đã khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi, những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ thỏa thuận, nguyên tắc thị trường không được tôn trọng.
BOT là một hình thức đầu tư khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng không vì thế mà cứ để mặt trái tự do phát triển. Cần rà soát, đánh giá tổng thể để tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch trong triển khai các dự án BOT giao thông là việc cấp bách phải làm.
Chừng nào chưa lấp được chỗ trống về các quy định đối với dự án BOT giao thông thì những câu chuyện “dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí”; “từng đoàn ô tô nối đuôi diễu hành phản đối” đã xảy ra ở trạm thu phí Bến Thủy sẽ còn tiếp diễn.
Bình luận (0)