Lẽ ra, thông tin về việc doanh nghiệp có lãi thì người dân và xã hội phải vui mừng bởi doanh nghiệp “ăn nên làm ra” tức là thêm của cải vật chất, thêm tiền đóng thuế và thêm công ăn việc làm. Song, lãi lớn của các doanh nghiệp xăng dầu, trong đó “ông lớn” Petrolimex lãi cả năm 2015 tới hơn 3.138 tỉ đồng, lại khó có thể khiến người tiêu dùng mừng vui với hoài nghi kết quả này chẳng phải do kinh doanh tài giỏi mà có thể chỉ dựa vào cơ chế chính sách. Khi con số Petrolimex lãi ngàn tỉ mới được công bố, có những chuyên gia đã cho rằng đó là do “ông lớn” này chậm giảm giá xăng dầu hoặc giảm không tương xứng với mức giảm của giá cả thế giới.
Mới đây, lại có thông tin mới khiến người tiêu dùng phải thêm hoài nghi với con số lãi lớn của Petrolimex trong năm 2015, một kết quả đảo ngược với việc kinh doanh thua lỗ của một năm trước. Đó là việc áp dụng mức thuế ưu đãi từ các thị trường như ASEAN và Hàn Quốc khiến doanh nghiệp có thể được hưởng lợi mức vênh 5%-10% thuế nhập khẩu xăng dầu. Số tiền hưởng lợi từ mức chênh lệch tính thuế chui vào túi doanh nghiệp thay vì chia đều cho người dùng này đã góp bao nhiêu vào lãi “khủng” của doanh nghiệp xăng dầu năm 2015 vừa qua? Theo tính toán, với mức chênh lệch thuế 5%-10% được hưởng, các doanh nghiệp xăng dầu đã nhẹ nhàng bỏ túi tới hàng trăm tỉ đồng mỗi tháng, kể từ tháng 5-2015 với xăng nhập từ thị trường các nước ASEAN và 1-1-2016 với thị trường Hàn Quốc.
Điều đáng nói là “kẽ hở” cơ chế dẫn đến khoản chênh lệch thuế mà doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi đã được các cơ quan quản lý biết tới từ lâu. Vậy mà sự bất hợp lý làm lợi cho doanh nghiệp xăng dầu song gây thiệt thòi cho người tiêu dùng này mãi không thấy hai cơ quan quản lý nhà nước là liên bộ Công Thương và Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh. Đến khi công luận lên tiếng mới thấy Bộ Công Thương “đá” trách nhiệm về phía Bộ Tài chính khi cho rằng vấn đề thuế má, giá cả là chức năng của bộ này.
Cũng chỉ một ngày sau cú “bật tường” trách nhiệm trên, đã thấy Bộ Tài chính có ý kiến phản hồi rằng sẽ khắc phục chênh lệch về thuế nhập khẩu xăng khiến doanh nghiệp thu lợi nhiều tỉ đồng.
Từ trước đến nay, giá xăng dầu luôn là điều khiến người tiêu dùng bức xúc song không phải về giá mà về sự minh bạch của nó. Trong khi đó, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước mới có thẩm quyền và công cụ làm rõ tính minh bạch và hợp lý của giá xăng dầu. Vụ “ăn” chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu khiến người tiêu dùng có quyền đặt vấn đề về tính minh bạch của giá xăng dầu và cả trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều hành, quản lý mặt hàng nhiên liệu thiết yếu sống còn với đời sống và tiêu dùng này.
Bình luận (0)