Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát về BOT
Sáng 15-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 13, Ủy ban thường vụ Quốc hội (QH) họp về nội dung tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ QH Vũ Hồng Thanh, trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Trong báo cáo dài 10 trang này, bên cạnh đánh giá những mặt tích cực, hàng loạt những hạn chế, tồn tại, bất cập gây bức xúc trong nhân dân đã được chỉ ra, trong đó có việc hạn chế quyền lựa chọn của người dân.
Thảo luận về báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết những tồn tại chủ yếu trong đầu tư BOT là do nguyên nhân chủ quan. "Nhiều tuyến đường độc đạo, từ thời ông bà để lại từ kiếp nào, giờ chỉ tráng lên rồi thu tiền của bà con là hết sức vô lí"- ông Giàu bày tỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại một phiên họp - Ảnh: TTXVN
Việc bất cập trong chọn lựa và chỉ định thầu cũng được ông Giàu chỉ ra. "Thậm chí có những nhà thầu không biết gì về kỹ thuật làm đường cũng được chỉ định thầu đi làm đường. Mà đường giao thông thì nó liên quan đến tính mạng con người".
Có một câu hỏi lớn được đặt ra: "Chúng ta định quy hoạch bao nhiêu km có một trạm BOT? bởi tôi đi nhiều nước trong khu vực, đi nhiều trăm km không thấy trạm BOT nào cả"- ông Giàu nêu câu hỏi.
Vị Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của QH, người từng là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cũng đề nghị đối với các tuyến đường độc đạo, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch có trạm BOT, chúng ta nên có phương án xử lý sớm. "Nếu cần thiết cần phải có lộ trình để mua lại".
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ thì bày tỏ quan tâm đến 2 vấn đề, đó là khoảng cách đặt trạm BOT và mức thu phí.
Ông Tỵ cho rằng vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí, thời gian thu phí đều thiếu công khai minh bạch. "Ví dụ như quy định đặt Trạm BOT, rõ ràng là yêu cầu phải tham khảo ý kiến người dân nhưng rõ ràng thực hiện không đến nơi đến chốn, hoặc thực hiện hình thức, một số nơi thì áp đặt cho nên đã dẫn đến những bức xúc"- ông Tỵ nói.
Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ bày tỏ quan tâm đến vấn đề khoảng cách đặt trạm BOT và mức thu phí
Dẫn ví dụ từ vụ lái xe phản ứng ở Trạm BOT Cai Lậy đang diễn ra, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho biết đây là điều "rất buồn"; rồi trước đây là phản ứng thu phí tại BOT cầu Hạc Trì. "Tôi đề nghị báo cáo của đoàn giám sát cần phải làm rõ thêm những vấn đề này, là nguyên nhân tại sao để tránh diễn ra những tình trạng tương tự"- ông Tỵ bày tỏ.
Ông Tỵ cũng cho biết các dự án BOT hầu hết đều phải sử dụng vốn vay ngận hàng, có dự án phải vay rất nhiều. "vậy nó sẽ dẫn đến tình trạng thời gian thu phí dài, mức thu cao".
"Hầu hết chỉ thấy các nhà đầu tư làm BOT đường bộ mà không thấy làm BOT đường thuỷ, đường sắt, phải chăng chỉ đường bộ mới đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư?"- ông Tỵ nêu vấn đề.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đánh giá cao, đồng tình với báo cáo của đoàn giám sát. Về vị trí đặt trạm thu phí BOT, bà Phóng cho rằng "Bà con cô bác phàn nàn rất nhiều".
Phó Chủ tịch QH khẳng định làm BOT thì phải hài hoà lợi ích của nhà nước-nhà đầu tư và người dân. "Tuy nhiên, người dân mới là vạn đại các đồng chí ạ"- bà Phóng bày tỏ.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng trăn trở rằng báo cáo này chưa nói rõ được trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. "Báo cáo của đoàn giám sát to đùng thế này mà mà chỉ có hơn 5 dòng nói về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. Thực chất là chưa nói được trách nhiệm các tập thể, cá nhân sau giám sát. Thế là thế nào? phải chăng chúng ta chưa nói hết hay còn gì nể nang không?. Tôi đề nghị cần phải quan tâm thêm, đánh giá thêm vấn đề này"- bà Phóng đề nghị.
"Báo cáo thì rất hay nhưng đánh giá về trách nhiệm còn rất nhẹ nhàng. Tôi đề nghị cần đánh giá thêm"- bà Phóng nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Trưởng Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã huy động khoảng 171.308 tỉ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỉ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2% (các dự án đường bộ 169.813 tỉ đồng/57 dự án). Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ).
Tại các địa phương, theo báo cáo của 43 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã huy động được hơn 80.000 tỉ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...).
Về tồn tại, hạn chế, báo cáo cho biết hiện nay, nhiều dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT là dự án cải tạo, nâng cấp được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (các tuyến quốc lộ và Đường Hồ Chí Minh) hạn chế sự lựa chọn của người dân.
Công tác thu phí (giá) sử dụng dịch vụ còn nhiều bất cập. Về vị trí đặt trạm thu phí và khoảng cách giữa các trạm, theo báo cáo của Bộ GTVT, trên các tuyến quốc lộ có 88 trạm thu phí, Bộ GTVT quản lý 74 trạm (45 trạm đang thu phí, 29 trạm chưa thu), Ủy ban nhân dân các tỉnh quản lý 14 trạm .
Theo quy định của Thông tư 159, trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án và khoảng cách giữa các trạm bảo đảm tối thiểu 70 km, trường hợp nhỏ hơn 70 km Bộ GTVT phải thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra 2 tình trạng như sau: Trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án, hay cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án; khoảng cách giữa các trạm thu phí dưới 70 km.
Ngoài ra, các địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường... khiến cho người dân bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua sau khi người dân bức xúc, khiếu kiện mới giải quyết bằng cách miễn, giảm phí (giá) sử dụng dịch vụ.
Nhiều trường hợp phí tăng nhưng chất lượng công trình xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân phải trả chi phí cho chất lượng dịch vụ không tương xứng.
Bình luận (0)