* Phóng viên: Trong báo cáo gửi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) về một số nội dung lớn của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ vẫn đề nghị bổ sung quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng là không quá 40 giờ, đồng thời quy định rõ trong luật các lĩnh vực, trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm. Ông nghĩ gì về đề xuất này?
Ông MAI ĐỨC CHÍNH- Ông MAI ĐỨC CHÍNH: Bộ Luật Lao động được ban hành lần đầu vào năm 1994 và đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Vấn đề tăng giờ làm thêm đã được đề nghị nhiều lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thay mặt Chính phủ trình và QH đều không đồng tình.
Lần sửa đổi này, Chính phủ lại tiếp tục trình phương án tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm. Tôi cho rằng từ thực tiễn cuộc sống, việc tăng giờ làm thêm chỉ làm cho người lao động (NLĐ) thêm cạn kiệt sức lực.
Rõ ràng, làm thêm để giải quyết công việc đột xuất là rất cấp thiết. Vậy làm thêm 400 giờ/năm thì chả lẽ công việc đột xuất, cấp thiết quanh năm sao? Do đó, trong bộ luật này cần phải định nghĩa chính xác thế nào là thời giờ làm thêm thì mới giải quyết được vấn đề, nếu không sẽ bị doanh nghiệp (DN) lạm dụng. Rất nhiều DN muốn NLĐ làm thêm vì không muốn tuyển thêm lao động để khỏi phải đóng BHXH và chi trả các chế độ khác.
Tăng giờ làm thêm có thể đạt được cái lợi trước mắt của DN nhưng hệ quả lâu dài NLĐ phải gánh. Do đó, tôi cho rằng không nên tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm. Tôi hy vọng các đại biểu (ĐB) QH trước khi bấm nút thông qua bộ luật này cần hết sức cân nhắc cái lợi, cái hại của việc tăng giờ làm thêm.
* Trong trường hợp phương án tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm được chấp thuận, ông sẽ kiến nghị gì?
- Nếu QH chấp thuận phương án tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm thì nhất thiết phải gắn liền với tính tiền làm thêm giờ theo lũy tiến chứ không phải như quy định của dự thảo (150% vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, Tết). Quy định như dự thảo thì NLĐ chưa được hưởng lợi. Theo tôi, phải tính lũy tiến theo hướng: làm thêm đến 200 giờ là tiền lương 150%, từ 201-250 giờ là 200%, rồi từ 251-300 giờ là 250%...
Quy định như vậy để DN khi muốn NLĐ tăng ca phải hết sức cân nhắc. Ngoài ra, khi tăng ca, DN giải quyết được kịp thời đơn hàng, được hưởng lợi thì NLĐ cũng phải được hưởng lợi.
* Ban soạn thảo đề nghị trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của bộ luật hiện hành. Đây có phải là phương án hợp lý?
- Hiện nay, trong khi công chức, viên chức thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần thì NLĐ ở DN phải làm việc 48 giờ/tuần. Như vậy, NLĐ ở DN phải làm việc tiêu chuẩn nhiều hơn NLĐ ở các cơ quan hành chính là 8 giờ/tuần, 416 giờ/năm. Không nên để sự bất bình đẳng này kéo dài hơn nữa, thay vào đó cần có lộ trình cụ thể để NLĐ có thời giờ làm việc bình thường tương đồng.
Chúng ta cũng đừng lý luận rằng thời giờ làm thêm của Việt Nam thấp so với khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore. Giờ làm việc bình thường của các nước này chỉ 40 giờ/tuần chứ không phải 48 giờ/tuần như Việt Nam. Như vậy, dù thời gian làm thêm chưa cao nhưng nếu cộng cả thời giờ làm việc bình thường vào, Việt Nam hiện nay thuộc nhóm nước có thời giờ làm việc cao.
Do đó, tôi rất đồng tình với đề nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân rằng trên thế giới còn số ít nước lao động trên 40 giờ/tuần, còn lại là dưới 40 giờ/tuần và nếu NLĐ làm việc từ 40 giờ/tuần trở lên sẽ không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất lao động không tăng. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có lộ trình chuyển lao động từ 48 giờ/tuần xuống 40 giờ trong vòng 10 năm tới. Tôi nghĩ đề xuất này là hợp lý.
Ngày 20-11 sẽ biểu quyết
Bước vào tuần làm việc thứ năm, ngày 18-11, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia.
Ngày 20-11 sẽ biểu quyết thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Ngày 22-11, QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH; thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế.
ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk):
Tiệm cận với thế giới
Giảm giờ làm đang là xu hướng chung của các nước trên thế giới. Việt Nam cần tiệm cận xu hướng này. Việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và chế tài của nước ta còn hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng DN lợi dụng việc tăng giờ làm thêm để khai thác sức lao động quá mức, dẫn đến cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Do đó, tôi đề nghị không mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa so với quy định hiện hành.
ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang):
Phải giảm giờ làm việc bình thường
Tôi đề nghị QH xem xét cụ thể thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 40 hoặc 44 giờ/tuần. Vì nếu chỉ quy định nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ như trong dự thảo thì không giải quyết được vướng mắc một cách triệt để và không đồng đều giữa các DN.
Bình luận (0)